Bất chấp sự giảm sốc trong dự trữ dầu của Mỹ, giá xăng dầu vẫn tiếp tục 'lao dốc không phanh'. Giá dầu WTI trượt dài về mức 78 USD/thùng.
Giá dầu thế giới
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23-8, giá dầu giảm thêm gần 1%, đánh dấu phiên lao dốc thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tuần giao dịch. Sự trượt dốc không phanh này của giá dầu là do nhu cầu yếu xuất phát từ việc dự trữ xăng của Mỹ tăng và dữ liệu sản xuất yếu kém trên toàn cầu lấn át sự lạc quan xung quanh sự giảm khủng trong dự trữ dầu thô của Mỹ.
Giá xăng dầu kéo dài đà lao dốc sang phiên thứ 4. Ảnh minh họa: Reuters
Giá dầu thô Brent giảm 82 cent, tương đương 0,98%, xuống mức 83,21 USD/thùng, trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ giảm 75 cent, tương đương 0,9%, xuống mức 78,89 USD. Đáng chú ý là trong phiên, đã có thời điểm giá dầu Brent giảm tới 2,5%, giá dầu WTI giảm sốc hơn, 3,4%.
Theo Reuters, dự trữ xăng của Mỹ đã tăng 1,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 18-8, ngược so với ước tính giảm 888.000 thùng của các nhà phân tích.
Trong khi đó, tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm tới 6,1 triệu thùng. Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, sự giảm này được hỗ trợ bởi hoạt động lọc dầu mạnh mẽ và mức xuất khẩu cao. Các nhà phân tích đã dự đoán mức giảm là 2,8 triệu thùng và báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ cho thấy dự trữ dầu của Mỹ giảm 2,418 triệu thùng.
John Kilduff, đối tác tại Again Capital nhận xét, trong khi các nhà máy lọc dầu tiếp tục hoạt động ở tốc độ cao và tăng lượng dầu tồn kho, nhu cầu nhiên liệu không quá mạnh do điều kiện kinh tế khó khăn.
Trong khi đó, dữ liệu sản xuất từ một loạt các cuộc khảo sát về chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về "sức khỏe" của các nền kinh tế trên toàn cầu.
Nhật Bản báo cáo hoạt động nhà máy bị thu hẹp trong tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 8. Hoạt động kinh doanh khu vực đồng euro cũng sụt giảm nhiều hơn dự kiến, đặc biệt là ở Đức. Nền kinh tế Anh có vẻ sẽ suy giảm trong quý hiện tại, có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Tương tự, hoạt động kinh doanh của Mỹ tiến gần đến điểm trì trệ trong tháng 8, với mức tăng trưởng yếu nhất kể từ tháng 2 do nhu cầu kinh doanh mới trong lĩnh vực dịch vụ rộng lớn bị thu hẹp.
S&P Global cho biết chỉ số PMI tổng hợp nhanh chóng của Mỹ, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống mức 50,4 trong tháng 8 từ mức 52 trong tháng 7, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11-2022. Mặc dù chỉ số tháng 8 là tháng tăng trưởng thứ 7 liên tiếp, nhưng chỉ cao hơn một chút so với mức 50 ngăn cách sự mở rộng và thu hẹp khi nhu cầu đối với cả hàng hóa sản xuất và dịch vụ suy yếu.
Các thị trường cũng đang tìm kiếm gợi ý về triển vọng lãi suất khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các nhà hoạch định chính sách từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Anh và Ngân hàng Nhật Bản sẽ dự hội nghị chuyên đề về ngân hàng trung ương Jackson Hole của Fed dự kiến khai mạc hôm nay.
Cuộc thảo luận đã chuyển sang việc giữ lãi suất quanh mức hiện tại - nhưng có lẽ lâu hơn so với ước tính trước đây - thay vì tăng thêm.
Dự trữ dầu của Mỹ giảm khủng không đủ sức kéo giá xăng dầu tăng trở lại. Ảnh minh họa: Getty Images
Về phía nguồn cung, sản lượng dầu thô của Iran sẽ đạt 3,4 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 9 mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn được áp dụng, truyền thông nhà nước Iran dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ nước này.
Năm nhà phân tích cho biết, Saudi Arabia có thể sẽ thực hiện việc cắt giảm dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày trong tháng thứ ba liên tiếp, tức là kéo dài sang tháng 10, trong bối cảnh nguồn cung không chắc chắn và khi vương quốc này đặt mục tiêu giảm thêm lượng tồn kho toàn cầu.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 24-8 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 23.339 đồng/lít.
Xăng RON 95 không quá 24.601 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 22.354 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 22.309 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 17.981 đồng/kg.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân