Trên thị trường thế giới, giá dầu thô Brent tăng trở lại trong phiên giao dịch sáng nay sau khi giảm gần 6% vào phiên trước vì lo ngại về các biện pháp hạn chế chống dịch mới và sự chậm chạp trong triển khai vắc xin tại châu Âu làm gia tăng tình trạng dư cung bất ổn.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,19% xuống 57,65 USD/thùng vào lúc 7h20 (giờ Việt Nam) ngày 24/3. Trong khi, giá dầu thô Brent giao tháng 5 tăng 0,46% lên 60,66 USD/thùng.
Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h20 ngày 24/3/2021
Tên loại | Kỳ hạn | Sàn giao dịch | Giá | %thay đổi | Đơn vị tính |
Dầu thô | Giao tháng 7/2021 | Tokyo | 39.540 | (4,68) | JPY/thùng |
Giá dầu Brent | Giao tháng 5/2021 | ICE | 60,66 | 0,46 | USD/thùng |
Dầu Thô WTI | Giao tháng 4/2021 | Nymex | 57,65 | (0,19) | USD/thùng |
Nguồn: Tố Tố tổng hợp.
Giá dầu thô giảm khoảng 6% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (23/3), giảm sâu hơn trong phiên giao dịch muộn, vì lo ngại về các biện pháp hạn chế phòng dịch mới và sự chậm chạp trong việc triển khai vắc xin tại châu Âu làm gia tăng tình trạng dư cung.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giao sau giảm 5,9% xuống 60,79 USD/thùng. Trong phiên có thời điểm giá dầu Brent xuống mức thấp nhất là 60,50 USD. Giá dầu thô WTI kết phiên với mức giảm 6,2%, xuống 57,76 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp trong phiên là 57,32 USD.
Cả hai loại dầu đều giao dịch gần mức thấp chưa từng thấy kể từ ngày 9/2.
Trong phiên giao dịch muộn sau khi thị trường đóng cửa, giá dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm còn 57,25 USD/thùng, trong khi dầu Brent chạm 60,27 USD/thùng. Sự sụt giảm diễn ra sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ tăng và tồn kho xăng giảm trong tuần gần đây nhất.
Các nguồn tin trích dẫn số liệu từ Viện xăng dầu Mỹ cho biết dự trữ dầu thô đã tăng 2,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 19/3, đi ngược lại dự báo của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là giảm khoảng 300.000 thùng.
Dữ liệu chính thức sẽ được công bố vào sáng ngày thứ Tư (24/3).
Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu thị trường dầu tại Rystad Energy, nhận định con đường phục hồi của nhu cầu dầu có vẻ đầy chông gai khi thế giới tiếp tục chiến đấu với đại dịch COVID-19.
"Giá dầu lại giảm vào thứ Ba, chứng tỏ sự điều chỉnh của tuần trước là chưa đủ sâu và thị trường đã giao dịch với tâm lý lạc quan quá mức trong thời gian gần đây, coi thường rủi ro của đại dịch", ông Tonhaugen nói thêm.
Các đợt phong toả kéo dài ở châu Âu diễn ra với mối đe dọa của làn sóng bùng dịch thứ ba từ một biến thể mới của virus COVID-19 trên lục địa.
Đức, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất của châu Âu, đang gia hạn thời gian phong toả cho đến ngày 18/4. Trong khi gần một phần ba nước Pháp đã bắt đầu tình trạng phong toả kéo dài một tháng vào thứ Bảy tuần trước (20/3) sau khi các ca nhiễm bệnh ở Paris và các vùng phía bắc nước Pháp tăng vọt.
Đồng USD mạnh hơn cũng ảnh hưởng đến giá dầu, vì thường làm cho giá dầu được giao dịch chủ yếu bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Chiều ngày 12/3, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng dầu | Thay đổi | Không cao hơn |
---|---|---|
Xăng E5RON92 | tăng 691 đồng/lít | 17.722 đồng/lít |
Xăng RON95-III | tăng 797 đồng/lít | 18.881 đồng/lít |
Dầu diesel 0.05S | tăng 558 đồng/lít | 14.401 đồng/lít |
Dầu hỏa | tăng 563 đồng/lít | 13.173 đồng/lít |
Dầu mazut 180CST 3.5S | tăng 642 đồng/kg | 13.769 đồng/kg |
Mức giá này có hiệu lực từ 15h ngày 12/3.
Nguồn tin: Vietnambiz