Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu kết thúc phiên khuya hôm qua "bốc hơi" khoảng 6% trước những lo ngại dịch Covid-19 bùng phát tại châu Âu và việc triển khai vắc xin tại đây diễn ra chậm hơn dự kiến.
Kết thúc phiên giao dịch khuya 23.3, hợp đồng dầu Brent rớt 2,61 USD xuống 62 USD/thùng, sau khi chạm mức đáy 61,41 USD/thùng. Dầu WTI mất 2,71 USD về 58,85 USD/thùng, sau khi rớt xuống mức thấp 58,47 USD/thùng.
Sáng nay (24.3), cả hai hợp đồng dầu tiếp tục lao dốc. Dầu Brent giao dịch ngưỡng 61 USD/thùng và dầu WTI mức 58 USD/thùng.
Lo ngại dư cung và các biện pháp hạn chế phòng dịch mới cũng như việc chậm triển khai vắc xin tại châu Âu khiến thị trường dầu thô “rung, lắc” liên tục trong 2 phiên đầu tuần. Trên Reuters, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy cho rằng, con đường phục hồi của nhu cầu dầu có vẻ “đầy chông gai” khi thế giới tiếp tục chiến đấu với đại dịch Covid-19. Giá dầu tiếp tục lao dốc chứng tỏ việc điều chỉnh giá vào tuần trước chưa đủ “sâu” trong khi nhà đầu tư lại giao dịch trong tâm lý quá lạc quan. Thế nên, việc giá dầu giảm sâu trở lại không gây bất ngờ và phản ánh đúng thị trường: nhu cầu yếu và sự đe dọa từ “bóng ma” Covid-19 trên toàn cầu vẫn còn rất lớn. Tại châu Âu, Đức - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất ở châu lục này vừa gia hạn thời gian phong tỏa đến ngày 18.4, còn Pháp bắt đầu tình trạng phong tỏa, hạn chế tụ tập… trong 1 tháng bắt đầu từ ngày 20.3.
Ở trong nước, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 5 lần. Trong đó, 1 lần giữ nguyên và 4 lần còn lại đều tăng. Ngày 24.3, theo niêm yết giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, xăng E5 RON92 17.722 đồng/lít; xăng RON95 18.881 đồng/lít; dầu diesel 14.401 đồng/lít; dầu hỏa 13.173 đồng/lít; dầu mazut 13.769 đồng/kg…
Nguồn tin: Thanh niên