Thông tin về kế hoạch nới lỏng nền kinh tế của một số quốc gia, cộng với những tuyên bố sẽ hỗ trợ ngành dầu mỏ Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã kéo giá xăng dầu hôm nay tăng mạnh.
Ảnh minh hoạ
Theo ghi nhận của Petrotimes, tính đến đầu giờ sáng ngày 23/4, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2020 đứng ở mức 14,67 USD/thùng, tăng 0,89 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 22/4, giá dầu WTI giao thags 6/2020 đã tăng 1,01 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2020 đứng ở mức 20,94 USD/thùng, tăng 0,57 USD/thùng trong phiên và tăng 1,33 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 22/4.
Giá dầu ngày 23/4 giữ vững đà tăng khi giới đầu tư kỳ vọng nhu cầu dầu trên thị trường sẽ được cải thiện mạnh khi các nước thực hiện nới lỏng nền kinh tế, gỡ bỏ các lệnh phong toả, cách lý.
Ngoài ra, giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do giới đầu tư chuyên sang mua các hợp đồng giao tháng 6 để có thêm thời gian để bố trị địa điểm dự trữ.
Bên cạnh đó, những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ cũng giúp cải thiện tâm lý lo ngại của thị trường.
Trước đó, các nghị sỹ của đảng Cộng hòa cũng đã hối thúc Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin triển khai cấp ngân sách cho các công ty dầu khí từ gói cứu trợ kinh tế nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Một nhóm Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa, do ông Kevin Cramer dẫn đầu, cho rằng nước Mỹ đang đối mặt với một nguy cơ hiện hữu nguy hiểm là phải đóng cửa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn, nhà sản xuất dầu mỏ, sự kiện sẽ tác động tiêu cực và sâu sắc tới ngành công nghiệp dầu mỏ, các đối tác tài chính cũng như người tiêu dùng trong những năm tới.
Tuy nhiên, áp lực giảm giá đối với dầu thô vẫn rất lớn. Nguồn cung dầu vẫn rất dồi dào, trong khi các kho chứa dầu đã gần như được lấp đầy. Bồn vận chuyển, hang động và cả đường ống bỏ không được tận dụng để chứa dầu khi các địa điểm cất trữ truyền thống sắp kín chỗ.
Reuters trích nguồn tin từ giới buôn bán và vận chuyển dầu cho biết hàng chục tàu dầu đã được đặt chỗ vài ngày gần đây để cất giữ ít nhất 30 triệu thùng nhiên liệu máy bay, xăng và dầu diesel trên biển. Đây là các kho chứa nổi, được tận dụng trong bối cảnh kho chứa trên mặt đất đã kín chỗ hoặc được đặt trước. Đó là chưa kể khoảng 130 triệu thùng dầu đã nằm ở đây từ trước.
Nhu cầu dầu và các sản phẩm từ dầu đã giảm khoảng 30% năm nay, khi chính phủ các nước hạn chế người dân đi lại trong đại dịch. Máy bay xếp xó, xe hơi không được sử dụng trong khi nguồn cung vẫn tăng cao. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đã ký thỏa thuận giảm sản xuất kỷ lục, nhưng chỉ giúp giảm gần 10% nguồn cung toàn cầu. Và đến tháng 5, thỏa thuận mới có hiệu lực.
Nguồn tin: petrotimes.vn