Lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu yếu hơn trong bối cảnh áp lực suy thoái kinh tế ngày một tăng tiếp tục khiến giá dầu hôm nay có xu hướng giảm mạnh.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 22/7/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 96,41 USD/thùng, giảm 0,42 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 21/7, giá dầu WTI giao tháng 9/2022 đã giảm 3,01 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 104,09 USD/thùng, tăng 0,23 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 2,49 USD so với cùng thời điểm ngày 21/7.
Giá dầu ngày 22/7 có xu hướng tăng nhẹ chủ yếu do đồng USD yếu hơn trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm.
Giá dầu hôm nay tăng còn do lo ngại nguồn cung thắt chặt hơn khi EU áp thêm lệnh trừng phạt với Nga và Nga tuyên bố sẽ không xuất bán dầu thô nếu bị áp trần dưới giá sản xuất.
Tuy nhiên, áp lực giảm giá đối với dầu thô vẫn rất lớn khi nhiều dữ liệu kinh tế cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang gần hơn với ngưỡng suy thoái.
Fed bang Philadelphia vừa báo cáo dữ liệu sản xuất trong khu vực của họ giảm mạnh và là tháng giảm thứ tư liên tiếp.
Còn tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của nước này cũng được ghi nhận ở mức thấp nhất kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 cách đây 2 năm. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tăng trưởng kinh tế quý II của nước này ở mức 0,4%, thấp hơn dự báo 1,2% của các nhà kinh tế và là mức yếu nhất kể từ năm 2020.
Ngày 21/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương xuống còn 4,6%, giảm so với mức dự báo 5,2% được đưa ra hồi tháng 4/2022.
Giới đầu tư cũng lo ngại làn sóng tăng lãi suất đang được các ngân hàng trung ương theo đuổi nhằm kiềm chế lạm phát sẽ tạo áp lực lớn hơn đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt khi nhiều nền kinh tế lớn còn đang phải đối diện với làn sóng Covid-19 mới.
Áp lực giảm giá đối với dầu thô còn đến từ việc nguồn cung dầu từ Libya đang dần được khôi phục sau thời gian gián đoạn.
Giá xăng dầu ở Mỹ cũng đang giảm mạnh, xuống còn 3,15 USD, trong khi dữ trữ xăng thì tăng mạnh với mức tăng 3,5 triệu thùng vào tuần trước, vượt xa mức dự báo chỉ tăng 71.000 thùng được đưa ra trước đó.
Tại thị trường trong nước, ngày 21/7, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá bán lẻ đối với các mặt hàng xăng dầu trong nước.
Theo đó, từ 15h chiều ngày 21/7, sau khi điều chỉnh, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được niêm yết trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 25.073 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 26.070 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 24.858 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 25.246 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.548 đồng/kg.
Nguồn tin: PetroTimes