Lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng mạnh đang tạo áp lực lớn lên tăng trưởng và áp lực nguồn cung dầu được kỳ vọng cải thiện khiến giá dầu hôm nay sụt giảm mạnh.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 22/6/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 107,92 USD/thùng, giảm 1,60 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 113,37 USD/thùng, giảm 1,28 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 22/6 giảm mạnh chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu giảm hơn kỳ vọng trong bối cảnh thị trường ghi nhận thêm nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang dần rơi vào trạng thái suy thoái.
Việc các ngân hàng trung ương lớn có động thái tăng lãi suất nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát càng làm gia tăng lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế chậm lại, qua đó tác động tiêu cực đến các dự báo về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Sau khi tăng mạnh lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm sau cuộc họp chính sách tháng 6, Fed được cho là sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 7 tới khi mà lạm phát của nền kinh tế Mỹ vẫn treo cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng thông báo về kế hoạch tăng lãi suất vào tháng 7 và tháng 9 tới, bất chấp những lo ngại về sự bất ổn trên thị trường tài chính.
Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu cũng được dự báo sẽ giảm so với kỳ vọng, đặc biệt trong mùa nắng nóng và du lịch tới khi mà túi tiền của người dân tại nhiều nước đang phải thanh toán cho các khoản chi phí đắt đỏ.
Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do kỳ vọng cuộc họp của Nhà Trắng với giám đốc điều hành 6 công ty dầu mỏ lớn vào ngày 23/6 sẽ đưa ra được giải pháp nhằm hạ nhiệt giá năng lượng đang treo cao ở Mỹ.
Thông tin về việc các nhà máy lọc dầu ở châu Âu tăng mua dầu của Nga cũng giảm tải đáng kể áp lực nguồn cung dầu thô.
Cụ thể, theo dữ liệu từ Bloomberg,
các nhà máy lọc dầu châu Âu đã tiêu thụ 1,84 triệu thùng dầu thô mỗi ngày của Nga vào tuần trước. Đây là lần tăng thứ ba về lượng dầu thô từ Nga tới các nhà máy lọc dầu trong nhiều tuần. Lượng dầu từ Nga tới châu Âu, kể cả đến Thổ Nhĩ Kỳ, hiện ở mức cao nhất trong gần hai tháng.
Ngoài ra, đồng USD phục hồi mạnh cũng là tác nhân tạo áp lực khiến giá dầu đi xuống.
Tại thị trường trong nước, ngày 21/6, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 21/6.
Theo đó, Liên Bộ quyết định tiếp tục không trích lập Quỹ BOG đối với các loại xăng, dầu diesel và dầu hỏa; trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước). Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đối với dầu diesel ở mức 400 đồng/lít (như kỳ trước) và tăng chi Quỹ BOG đối với dầu hỏa ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít).
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 31.302 đồng/lít; giá xăng RON95 không cao hơn 32.873 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 30.019 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 28.785 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.735 đồng/kg.
Nguồn tin: PetroTimes