Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá xăng dầu hôm nay 22/3/2022 ghi nhận cảnh báo giá dầu lên tới 300 USD/thùng

Sự bế tắc trong tìm nguồn cung dầu cộng với thông tin châu Âu đang xem xét cấm nhập dầu của Nga đã đẩy giá xăng dầu hôm nay tăng mạnh, trong đó dầu Brent đã lên mức 118 USD/thùng.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 22/3/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 113,60 USD/thùng, tăng 1,48 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 21/3, giá dầu WTI giao tháng 4/2022 đã tăng tới 7,25 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 118,11 USD/thùng, tăng 2,49 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 8,74 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 21/3.

Giá dầu ngày 22/3 tăng vọt trong bối cảnh thị trường ghi nhận thông tin EU đang xem xét áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Điều này nếu xảy ra sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trên thị trường thêm trồng trọng, đặc biệt các nước vẫn đang rất bế tắc trong việc tìm kiếm các nguồn cung dầu thay thế.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu cũng được ghi nhận tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần khi thị trường đón nhận thông tin trên.

Trong khi các cuộc đàm phán vẫn đang khá bế tắc và chưa cho một kết quả cụ thể nào thì Nga được cho là đã sử dụng những loại vũ khí có sức công phá lớn hơn trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Diễn biến này dấy lên lo ngại về khả năng cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ kéo dài và những rủi ro mà nó mang lại đối với kinh tế toàn cầu sẽ ngày một lớn hơn.

Thậm chí, theo Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ) thì kể cả khi tình hình căng thẳng tại Ukraine chấm dứt, thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với một sự thâm hụt năng lượng mang tính cơ cấu, do các lệnh trừng phạt với Nga.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do thị trường ghi nhận thông tin sản lượng của OPEC+ trong tháng 2/2022 thấp hơn mức mục tiêu đến 1 triệu thùng/ngày. UAE và Saudi Arabia, 2 nước trong OPEC còn có khả năng tăng sản lượng, đến nay vẫn từ chối các lời kêu gọi gia tăng sản lượng từ Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn.

Tại Mỹ, mặc dù giá dầu đang ở mức cao nhưng theo dữ liệu được ghi nhận thì các công ty năng lượng ở nước này lại đang gặp khó trong việc gia tăng số lượng giàn khoan hoạt động.

Thống kê của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, vào năm 2021, Nga cung cấp 11% lượng dầu tiêu thụ toàn cầu, 17% lượng tiêu thụ khí đốt trên thế giới và 40% lượng tiêu thụ khí đốt của Tây Âu. Điều này có nghĩa, nếu các lệnh trừng phạt đối với Nga duy trì trong thời gian dài, thị trường có thể sẽ phải tìm kiếm bổ sung tới 11% lượng dầu tiêu thụ toàn cầu trong trường hợp dầu của Nga bị cấm hoàn toàn.

Ở diễn biến mới nhất, theo kênh RT (Nga), Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 21/3 cho biết giá dầu sẽ tăng lên 300 USD/thùng nếu phương Tây từ bỏ dầu của Nga, đồng thời cảnh báo “giá dầu có thể đạt 500 USD/thùng”.

Nhưng không chỉ ở Nga, thị trường dầu thô còn ghi nhận nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông khi những ngày gần đây, phiến quân Houthi đã tấn công vào nhiều địa điểm trên khắp Saudi Arabia, trong đó có một số địa điểm của Tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco.

Nguy cơ về một khủng hoảng, thiếu hụt dầu thô là hiện hữu khi mà nguồn cung dầu vẫn đang bị thắt chặt còn nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn đang có chiều hướng gia tăng đang đẩy giá dầu tăng cao. Và để giảm thiểu nguy cơ này, IEA mới đây đã đưa ra một bảng chi tiết kế hoạch khẩn cấp gồm 10 khuyến nghị, trong đó có việc giảm tốc độ giới hạn đường cao tốc ít nhất 9,6 km/h, làm việc tại nhà tối thiểu 3 ngày/tuần nếu có thể và nói không với ôtô trong thành phố vào ngày Chủ nhật. Theo IEA, nếu các khuyến nghị trên được thực hiện, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tháng.

Con số này là khá gần với mức dự báo thiếu hụt 3 triệu thùng bắt đầu từ tháng 4/2022 mà IEA đã đưa cảnh báo trước đó.

Tại thị trường trong nước, ngày 21/3, theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở cho kỳ điều hành từ ngày 21/3. Sau khi thực hiện điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá xămg dầu hôm nay được niêm yết phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 28.330 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 29.192 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 23.633 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 22.245 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.423 đồng/kg.

Nguồn tin: PetroTimes

ĐỌC THÊM