Giá dầu thế giới sáng nay tăng giảm trái chiều, song xu hướng chung vẫn tiếp tục giảm nhẹ, sau khi đã giảm kết thúc phiên trước đó.
Ngày 22.1, dầu thô ngọt nhẹ tiếp tục giảm 0,3%, giao dịch dưới ngưỡng 53 USD/thùng; dầu Brent dưới ngưỡng 56 USD/thùng. Lúc đóng cửa phiên giao dịch khuya 21.1 (theo giờ Việt Nam), dầu Brent nhích 2 cent lên 56,1 USD/thùng; dầu WTI lùi 18 cent xuống 53,13 USD/thùng.
Giá dầu tăng nhẹ trong 2 phiên vừa qua bởi nhà đầu tư kỳ vọng chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế, thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu tăng lên đồng thời sẽ đưa ra những chính sách thắt chặt nguồn cung dầu thô. Tuy nhiên, trạng thái hưng phấn của giới đầu tư sớm trở lại bình thường trong bối cảnh đại dịch và nhu cầu tiếp tục giảm. Theo dữ liệu, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần qua đã tăng 2,6 triệu thùng, trái với dự báo của các nhà phân tích là giảm 1,2 triệu thùng.
Ngày 22.1, đà tăng của giá dầu được dự báo sẽ chững lại do diễn biến của dịch Covid-19 có chiều hướng phức tạp. Đến đầu giờ sáng nay (22.1, theo giờ Việt Nam), trang cập nhật Worldometers ghi nhận thế giới đã có hơn 98 triệu ca nhiễm và hơn 2,097 triệu người chết do Covid-19. Đáng lưu ý, các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Nga, Ấn Độ… đều ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới tăng mạnh, theo đó, các biện pháp phong tỏa, giãn cách tại những nước này tiếp tục được áp dụng thường xuyên. Bên cạnh đó, sản lượng cắt giảm của Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh cũng đang giảm, chỉ đạt 99% trong tháng cuối năm 2020.
Ngày 22.1, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, xăng E5 RON92 mức cao nhất 15.948 đồng/lít; xăng RON95 16.930 đồng/lít; dầu diesel 12.647 đồng/lít; dầu hỏa 11.558 đồng/lít; dầu mazut 12.272 đồng/kg.
Nguồn tin: Thanh niên