Giữ nguyên giá của chốt phiên giao dịch trước, dầu WTI “neo” ở 102,26, Brent ở mức 106,92 USD/thùng. Giá xăng trong nước dự báo giảm mạnh gần 3.000 đồng.
Giá xăng dầu thế giới
Giá “vàng đen” lao dốc trong phiên giao dịch ngày 20-7, sau khi dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy nhu cầu xăng dầu thấp hơn trong mùa lái xe cao điểm mùa hè và khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát vì lo ngại suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm.
Giá dầu đã giảm lỗ trong phiên khi nhận được thông tin từ TC Energy cho biết đường ống Keystone, một trong những đường ống xuất khẩu dầu lớn của Canada, đã bước vào ngày thứ ba hoạt động với tốc độ giảm. Việc sửa chữa tiếp tục diễn ra tại một cơ sở điện của bên thứ ba ở Nam Dakota đã gây ra lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn.
Theo Reuters, giá dầu thô Brent giao tháng 9 đã giảm 43 cent, tương đương 0,40%, xuống mức 106,92 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 8 cũng giảm với mức lỗ cao hơn là 1,96 USD, tương đương 1,88%, xuống mức 102,26 USD/thùng. Hợp đồng WTI giao tháng 8 hết hạn trong ngày 20-7. Trong khi đó, hợp đồng WTI giao tháng 9 đang hoạt động tích cực, được giao dịch ở mức 99,88 USD/thùng, giảm 86 cent.
Dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ xăng của Mỹ tăng 3,5 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa mức dự báo của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là chỉ tăng 71.000 thùng.
Dữ liệu cũng cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 446.000 thùng trong tuần trước, so với kỳ vọng tăng 1,4 triệu thùng của các nhà phân tích.
Thời gian qua, giá dầu cực kỳ biến động. Giá “vàng đen” bị rơi vào cuộc giằng co giữa một bên là lo ngại nguồn cung thiếu hụt bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và một bên là lo ngại rằng cuộc chiến chống lạm phát có thể làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu và cắt giảm nhu cầu.
Tuần trước, giá dầu đã “lao dốc không phanh” với lo ngại rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất tới 100 điểm cơ bản đề kiềm chế lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 của Mỹ đạt mức cao tới 9,1%. Tuy nhiên, về dần các phiên cuối tuần, giá dầu đã dần phục hồi với kỳ vọng Fed chỉ tăng lãi suất 0,75% thay vì 1% vào cuộc họp cuối tháng này.
Các nhà phân tích kỳ vọng nguồn cung dầu bị thắt chặt sẽ tiếp tục hỗ trợ giá trong khi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ chỉ tăng ở mức khiêm tốn.
Stephen Brennock của công ty môi giới dầu PVM cho biết: “Với ít dư địa để Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) tăng sản lượng, thị trường dầu sẽ phải vật lộn để cân bằng trong những tháng tới”. Brennock dự báo, giá dầu sẽ tăng trong thời gian tới.
Nguồn cung hạn chế đã giữ cho giá dầu Brent duy tri ở mức hơn 105 USD/thùng và khiến giá Brent chênh lệch giữa các tháng vào khoảng 4,50 USD/thùng. Trong một thị trường bù hoãn bán thì giá của tháng sắp hết hạn sẽ cao hơn giá của những tháng trong tương lai.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 21-7 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 27.788 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 29.675 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.593 đồng/lít; dầu hỏa không quá 26.345 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.712 đồng/kg.
Theo các chuyên gia trong nước, với đà giảm của giá xăng dầu thế giới tuần qua, nhiều khả năng trong lần điều hành giá chiều nay (21-7) của liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng dầu trong nước cũng sẽ được điều chỉnh giảm. Nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn, xăng sẽ giảm khoảng 2.500-3.000 đồng/lít, còn dầu giảm 1.200-1.500 đồng/lít/kg.
Lần điều chỉnh gần đây nhất ngày 11-7, giá xăng dầu trong nước đã giảm mạnh trên dưới 3.000 đồng/lít/kg.
Nếu đúng như dự báo, đây sẽ là lần giảm thứ 3 liên tiếp của giá xăng trong nước.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân