Tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầy biến động khởi động tuần, giá dầu Brent hôm nay “neo” ở mức hơn 114 USD/thùng, WTI nhích nhẹ. Giá xăng trong nước dự kiến sẽ tăng nhẹ.
Giá xăng dầu thế giới
Giá dầu đã bắt đầu tuần giao dịch mới bằng một phiên giao dịch đầy biến động. Có thời điểm, trong phiên giao dịch ngày 20-6, cả hai mặt hàng Brent và WTI cùng giảm, cùng tăng, thậm chí trái chiều. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, giá dầu đã đánh dấu mức tăng do các nhà giao dịch tập trung vào nguồn cung thắt chặt bởi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại.
Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 8 tăng 1,01 USD, tương đương 0,89%, lên mức 114,13 USD/thùng. Tuần trước, điểm chuẩn thế giới này đã giảm 7,3% và trải nghiệm tuần giảm đầu tiên trong năm.
Giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 7 tăng 71 cent, tương đương 0,65%, lên mức 110,27 USD/thùng. Giá dầu WTI giao ngay đã giảm 9,2% vào tuần trước, lần giảm đầu tiên trong vòng tám tuần.
Andrew Lipow, cố vấn dầu ở Houston cho biết, hai câu chuyện cạnh tranh đang diễn ra.: Một là các biện pháp trừng phạt đối với nguồn cung cấp của Nga và một là giá cao dẫn đến một số nhu cầu bị phá hủy.
Nhà phân tích Stephen Brennock của PVM cho biết, nguồn cung sẽ tiếp tục thắt chặt và tiếp tục hỗ trợ giá dầu cao. Giá dầu Brent vẫn ở quanh mốc 120 USD/thùng.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết, khả năng tăng giá vẫn đầy thuyết phục hơn.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã và đang làm giảm khả năng tiếp cận dầu từ Nga sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Các nhà phân tích và nhà đầu tư cho biết họ tin rằng khả năng xảy ra suy thoái sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông qua mức tăng lãi suất lớn nhất (75 điểm phần trăm) trong hơn một phần tư thế kỷ hồi giữa tuần trước để kiềm chế lạm phát gia tăng.
Sau Fed, Ngân hàng Trung ương Anh và Thụy Sĩ cũng tăng lãi suất khiến giá dầu trượt dốc một đoạn khá dài.
Theo nhà phân tích Carsten Fritsch của Ngân hàng Commerzbank, việc giá dầu giảm mạnh hôm 17-6 có thể được coi là một phản ứng trước những lo ngại về suy thoái vốn đã đè nặng lên giá các mặt hàng khác.
Giá dầu được hỗ trợ tăng bởi thị trường sản phẩm tinh chế thắt chặt.
Liên quan đến nguồn cung dầu, sản lượng dầu của Libya vẫn chưa ổn định. Gần đây nhất, nước này mới khôi phục được sản lượng 700.000 thùng dầu/ngày, vẫn còn khá xa so với mức 1,2 triệu thùng dầu/ngày như thường lệ. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn so với sản lượng đạt được của Libya hồi tháng 5 (600.000 thùng dầu/ngày) và vừa qua (100.000 thùng dầu/ngày) do bất ổn chính trị trong nước.
Trong khi đó, dòng dầu từ Venezuela đến châu Âu cũng đang trên đường vận chuyển. Nguồn cung dầu này sẽ thay thế nguồn cung dầu từ Nga sau khi các nước phương Tây đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu Nga.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 21-6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 31.117 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 32.375 đồng/lít; dầu diesel không quá 29.020 đồng/lít; dầu hỏa không quá 27.839 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.357 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành giá hôm nay, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Dự báo, giá xăng có thể tiếp tục tăng nhưng mức tăng sẽ không quá lớn như một số kỳ điều hành giá trước đó, chỉ trong khoảng 300-500 đồng/lít.
Nếu đúng như dự báo, đây sẽ là lần tăng giá thứ 7 liên tiếp của xăng trong nước, và là lần tăng thứ 13 kể từ đầu năm nay.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân