Đà tăng của giá thế giới đã bị chặn đứng bởi lo ngại nguồn cung tăng mạnh và nhu cầu dầu giảm, qua đó khiến giá xăng dầu hôm nay khép tuần giao dịch với xu hướng giảm mạnh với nhiều chỉ báo không lạc quan.
Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch 15-19/2 với xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh triển vọng phục hồi kinh tế ngày càng sáng sủa hơn khi dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát tại nhiều khu vực đã làm tăng kỳ vọng cải thiện nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trên thị trường.
Tính đến đầu giờ sáng ngày 15/2, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2021 đứng ở mức 60,17 USD/thùng, trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4/2021 đứng ở mức 63,08 USD/thùng.
Giá dầu ngày 15/2 tiếp đà tăng mạnh khi giới đầu tư đặt kỳ vọng vào việc cải thiện nhu cầu dầu thô sẽ tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát và các chương trình vắc-xin vẫn đang được đẩy mạnh.
Giá dầu thế giới còn được thúc đẩy bởi kỳ vọng gói hỗ trợ, kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD sẽ sớm được triển khai.
Theo một kết quả khảo sát với gần 120 nhà kinh tế do Reuters tiền hành, với gói hỗ trợ, kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD, kinh tế mỹ sẽ trở lại mức trước đại dịch Covid-19 bùng phát trong vòng 1 năm.
Cuộc khảo sát ước tính tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt mức 2,8% trong quý I/2021, sau đó sẽ tăng tốc và tăng trưởng lần lượt là 6%, 6,3% và ,4,6% trong 3 quý tiếp theo. Tính chung cả năm, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức trung bình 4,7% cho năm 2021 và 3,5% cho năm 2022.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, tổng mức bán lẻ trong tháng 1 của nền kinh tế Mỹ đã tăng 5,3% tháng 1/2021, cao hơn nhiều với mức tăng 1% trong tháng 12/2020 và cao hơn nhiều so với mức dự báo 1,1% được đưa ra trước đó.
Giới chuyên gia nhận định, tổng mức bán lẻ của Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh khi Mỹ triển khai gói hỗ trợ, kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD.
Ở diễn biến mới nhất, Tổng thống Joe Biden được cho là đang có những động thái nhằm thúc đẩy việc triển khai gói kích cầu 1.900 tỷ USD trong vài tuần tới. Và nếu kế hoạch này được phê chuẩn, hầu hết người dân Mỹ sẽ nhận được khoản hỗ trợ 1.400 USD và mức trợ cấp thất nghiệp cũng sẽ cao hơn.
Giá dầu hôm nay 15/2 còn được thúc đẩy bởi dự báo về khả năng khai thác dầu thô ngày càng khó khăn khi đây không phải là nguồn tài nguyên vô tận, trong khi các nguồn năng lượng thay thế hoặc có chi phí đắt đỏ, hoặc vẫn chưa đủ để đáp ứng và thay thế dầu thô.
Giá dầu thế giới tiếp tục được thúc đẩy bởi thông tin nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 1/2021.
Cụ thể, Công ty phân tích năng lượng OilX cho biết, nhập khẩu dầu thô trong tháng Giêng của Trung Quốc đạt trung bình 11,12 triệu thùng/ngày. Con số này tăng hơn 18% (khoảng 1,74 triệu thùng/ngày), so với mức trung bình của tháng 12.
Trung Quốc hiện là nhân tố tăng giá duy nhất đối với giá dầu kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Nhờ sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế, Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi giá dầu - trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với nhập khẩu nói chung, bởi họ đã tính đến việc bổ sung công suất lọc dầu mới trong nước, dự kiến sẽ thúc đẩy nhập khẩu của nước này. Sau khi suy giảm vào cuối năm 2020 do các nhà máy này sử dụng hết hạn ngạch nhập khẩu, dầu một lần nữa được mua nhiều hơn theo hạn ngạch mới cho năm nay, thúc đẩy tổng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc.
Theo OilX và công ty phân tích Kayrros, dầu tồn kho của Trung Quốc hiện đang giảm xuống.
Trong báo cáo nhập khẩu tháng 1, OilX nói rằng, lượng dự trữ được chỉ định cho hợp đồng dầu INE Thượng Hải đã giảm 6 triệu thùng kể từ cuối năm 2020 và thấp hơn 22 triệu thùng so với mức tháng 8 năm ngoái.
Kayrros tính toán rằng, dầu dự trữ của Trung Quốc ở mức khoảng 990 triệu thùng vào đầu tháng 2 năm nay, so với 856 triệu thùng vào thời điểm này năm ngoái nhưng đã giảm so với khoảng 1 tỷ thùng hồi tháng 9 năm 2020.
Ngoài ra, giá dầu thô còn được thúc đẩy mạnh bởi lo ngại nguồn cung dầu thô từ Trung Đông bị gián đoạn trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực này gia tăng sau vụ tấn công vào 2 sân bay của Saudi Arabia.
Thông tin các giếng dầu ở Texas (Mỹ) phải đóng cửa do thời tiết lạnh giá được phát đi sau đó đã tạo cú hích lớn thúc đẩy giá xăng dầu ngày 18/2 tăng vọt, trong đó dầu Brent đã lên mức 65 USD/thùng.
Cụ thể, tính đến đầu giờ sáng ngày 18/2, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2021 đứng ở mức 61,75 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 4/2021 đứng ở mức 64,94 USD/thùng.
Theo ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch và Associates ở Galena (Illinois), do thời tiết lạnh giá, các giếng dầu tại Texas (Mỹ) có thể sẽ phải đóng cửa, ngừng khai thác.
Các nhà phân tích của Rystad Energy ước tính thời tiết lạnh giá sẽ khiến sản lượng dầu thô của Mỹ giảm từ 500.000-1,2 triệu thùng.
Tuy nhiên, khi một số nhân tố hỗ trợ giá dầu yếu đi, giá dầu thế giới trong 2 phiên giao dịch cuối tuần đã quay đầu giảm mạnh.
Tại Mỹ, thời tiết băng giá đã khiến các giếng dầu ở Texas buộc phải ngừng khai thác, và theo ước tính nó đã làm sụt giảm hơn 4 triệu thùng/ngày, tương đương gần 40% tổng sản lượng khai thác mỗi ngày của nước này. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, các nhà máy lọc dầu ở khu vực Texas cũng phải đóng cửa. Theo giới phân tích, hoạt động khai thác sẽ nhanh chóng được phục hồi khi thời tiết bình thường trở lại nhưng sẽ mất thời gian để các nhà máy lọc dầu khôi phục hoạt động.
Theo ANZ Research, nhu cầu của các nhà máy lọc dầu tại Texas giảm có thể khiến dự trữ dầu thô tăng trong những tuần tới, dù sản lượng dầu của Mỹ giảm khoảng 3,5 triệu thùng/ngày.
Không chỉ ở Mỹ, khắp bán cầu bắc từ Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel… thời tiết cực đoan cũng đang diễn ra và ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế, qua đó đe doạ đến khả năng tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô.
Giá dầu hôm nay ghi nhận xu hướng giảm mạnh còn do lo ngại về khả năng nguồn cung dầu của Iran sẽ sớm trở lại thị trường khi Mỹ đã chấp thuận trở lại bàn đàm phán hạt nhân với nước này.
Thông tin không mấy lạc quan về thị trường lao động Mỹ cũng tạo tác động tiêu cực lên thị trường dầu thô.
Cụ thể, theo Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin bảo trợ thất nghiệp lần đầu tính theo tuần của nước này đã tăng 13 ngàn, lên 861 ngàn người. Thông tin này đã dấy lên những lo ngại về “sức khoẻ” của nền kinh tế số 1 thế giới và khả năng hấp thụ gói hỗ trợ trị giá 1.900 tỷ USD khi nó được triển khai.
Bên cạnh đó, sự hoài nghi về khả năng tuân thu thoả thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ cũng tạo áp lực giảm giá lên giá dầu ngày 21/2. Theo một số thông tin được phát đi, OPEC+ có thể nới lỏng việc hạn chế sản lượng kể từ tháng 4/2020.
Việc giá dầu tăng mạnh thời gian qua cũng thúc đẩy các nhà sản xuất, vốn đã dừng khai thác hoặc giảm sản lượng khi giá dầu xuống thấp, trở lại thị trường, đẩy mạnh hoạt động khai thác.
Chốt tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2021 đứng ở mức 59,04 USD/thùng, giảm 1,49 USD/thùng trong phiên; trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4/2021 đứng ở mức 62,74 USD/thùng, giảm 1,19 USD/thùng trong phiên.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay hiện đang được niêm yết phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 có giá trần là 16.309 đồng/lít; giá xăng RON 95-III là 17.270 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S có giá trần là 13.042 đồng/lít; dầu hỏa có giá trần là 11.908 đồng/lít và dầu mazút 180CST 3.5S cao nhất là 12.622 đồng/kg.
Với những diễn biến trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, cộng với khả năng “căng thẳng thương mại” Mỹ - Trung gia tăng, giới phân tích nhận định giá xăng dầu tuần tới sẽ giao dịch khó khăn, có khả năng sẽ tiếp tục sụt giảm nếu không có sự xuất hiện của các nhân tố đột biến mới từ phía cầu.
Nguồn tin: PetroTimes