Ngược với thế “trái dấu” tuần trước, cả Brent và WTI bắt đầu “tăng nhiệt” phiên đầu tuần lên gần 95 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới
Theo oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 21-2 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 3 được giao dịch ở mức 92,81 USD/thùng, tăng 1,74 USD, tương đương 1,91%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức 94,87 USD/thùng, tăng 1,42%, tương đương 1,33 USD.
Giá dầu đang lấy lại đà tăng. Ảnh minh họa: CNBC |
Sự bất ổn địa chính trị ở Đông Âu giữa Nga và Ukraine và triển vọng xuất khẩu dầu của Iran sau khi một thỏa thuận hạt nhân có thể đạt được tại các vòng đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran đã khiến hai mặt hàng dầu thô Brent và WTI kết thúc phiên giao dịch tuần trước trong thế “đối đầu”.
Dầu Brent đã duy trì sắc xanh trong khi dầu WTI giữ sắc đỏ, đánh dấu tuần “rớt” giá lần đầu tiên của dầu WTI trong vòng 9 tuần qua và cũng là tuần đầu tiên “trượt dốc” của WTI kể từ đầu năm nay.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa thấy hồi kết. Tuần trước, phương Tây đã cho rằng Nga sẽ tấn công Ukraine vào ngày 16-2. Thông tin này đã đẩy giá dầu leo lên mức kỷ lục kể từ mùa thu 2014. Dầu thô Brent chạm đỉnh mới 96,78 USD/thùng. WTI cũng bám sát Brent với mức “đỉnh” 95,82 USD/thùng.
Nhưng một cuộc tấn công đã không xảy ra thay vào đó là hàng trăm trường hợp vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông. Dù Nga chưa có hành động cụ thể leo thang căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn luôn cảnh báo Moscow có thể tấn công bất cứ lúc nào. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cảnh báo Nga đang lên kế hoạch cho "cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945".
Một cuộc tấn công dự báo không xảy ra cũng đồng nghĩa với việc giá dầu khó có cơ sở để bị “đẩy” lên cao. Thêm vào đó, tweet của nhà đàm phán chính của Iran Ali Bagheri Kani rằng “sau nhiều tuần hội đàm căng thẳng, chúng tôi đang tiến gần hơn bao giờ hết đến một thỏa thuận” mở ra tia hy vọng về một nguồn cung dồi dào hơn trong tương lai. Thông tin về một thỏa thuận hạt nhân có thể đạt được đã giúp giá dầu “hạ nhiệt” một phần dù trong tương lai gần, hàng triệu thùng dầu/ngày của Iran vẫn chưa thể xuất ngay ra thị trường.
Lo ngại về "gián đoạn" nguồn cung dầu vẫn chưa hề giảm. Ảnh minh họa: Reuters |
Đáng chú ý là cuối tuần qua hàng chục trang web của Ukraine bị đánh sập, trong đó có trang web của Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Văn hóa nước này cùng hai ngân hàng lớn nhất nước.
Mặc dù các quan chức Ukraine không vội đổ lỗi cho Nga về vụ tấn công này giống như họ đã làm với một cuộc tấn công mạng trước đó, nhưng trong một tuyên bố của Bộ Thông tin Ukraine đã ngầm sự tham gia của Nga. Tuyên bố cho biết, có thể kẻ xâm lược đã sử dụng các chiến thuật “tinh quái” bởi vì các kế hoạch gây hấn của họ không hoạt động.
Cuộc tấn công mạng này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Ukraine, đẩy giá dầu lên cao hơn vì lo ngại về “gián đoạn” nguồn cung lớn dần.
Tuần trước, Craig Erlam, nhà phân tích thị trường của OANDA, cho biết, giá dầu có thể đạt mức 3 con số nếu không có các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 21-2 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 24.571 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 25.322 đồng/lít; dầu diesel không quá 19.865 đồng/lít; dầu hỏa không quá 18.751 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.659 đồng/kg.
Dự kiến trong kỳ điều hành giá dầu chiều hôm nay 21-2 của liên Bộ Tài chính - Công thương, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng theo đà tăng mạnh của giá xăng dầu thế giới 10 ngày qua. Các chuyên gia dự báo, giá xăng có thể tăng quanh mức 1.000-1.100 đồng/lít, còn dầu 800-900 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi Quỹ bình ổn giá thì giá xăng trong nước có thể tăng ít hơn.
Nếu giá xăng dầu tăng đúng như dự báo thì đây sẽ là lần tăng thứ 5 liên tiếp và là đợt tăng thứ 4 kể từ đầu năm nay. Hiện giá xăng trong nước đang ở mức cao nhất trong 8 năm qua.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân