Cập nhật giá xăng dầu trong nước và thế giới mới nhất hôm nay 20/4/2022. Cập nhật giá xăng dầu thế giới mới nhất hôm nay 20/4.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 20/4
Dầu thô WTI kỳ hạn kéo dài mức lỗ và giảm gần 5% xuống 103 USD/thùng, kết thúc chuỗi 4 ngày kéo dài, khi các nhà giao dịch thông báo lo ngại về nhu cầu giảm mặc dù nguồn cung thắt chặt.
Giá dầu đã giảm hơn 5% trong phiên giao dịch đầy biến động ngày 19/4 do lo ngại về nguồn cầu giảm sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế và cảnh báo lạm phát cao hơn.
Ghi nhận lúc 8h30 hôm nay 20/4, giá dầu vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Kết thúc phiên hôm qua, giá dầu WTI giảm 4,95% xuống 102,16 USD/thùng còn giá dầu Brent giảm 0,19% xuống 106,77 USD/thùng.
Giá “vàng đen” lao dốc bất chấp sản lượng giảm từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +). Trong tháng 3, OPEC+ chỉ sản xuất được 1,45 triệu thùng/ngày, thấp hơn mục tiêu đề ra, do sản lượng của Nga bắt đầu giảm sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nước này sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Reuters trích báo cáo cho thấy Nga đã sản xuất thấp hơn khoảng 300.000 thùng ngày trong tháng 3, chỉ đạt mức 10,018 triệu thùng/ngày.
Hồi tháng trước, OPEC + đã đồng ý tăng sản lượng dầu hằng tháng lên 432.000 thùng/ngày trong tháng 5, tăng 32.000 thùng/ngày so với những cam kết trước đó, bất chấp lời kêu gọi bơm thêm dầu của các nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới.
Theo Reuters, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu gần một điểm phần trăm, với lý do Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và cho rằng lạm phát hiện là "mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại" đối với nhiều quốc gia.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 19/4 được niêm yết cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 26.471 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 27.317 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.380 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.027 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.929 đồng/kg.
Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước đã giảm 3 lần liên tiếp, đưa giá xăng dầu về mức giá tương đương thời điểm đầu tháng 3. Tính chung trong 3 tháng đầu năm, giá xăng đã có 6 lần tăng, 3 lần giảm giá. Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thành phẩm thế giới (căn cứ dùng để tính giá cơ sở) đã tăng 33,7-38,9% từ đầu năm nhưng giá bán lẻ trong nước tăng thấp hơn, ở mức 9-11%.
Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh giảm. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel hiện còn 24.380 đồng/lít; dầu hỏa là 23.020 đồng/lít...
Dự báo giá xăng dầu
Trong nước, giá xăng dầu được dự báo sẽ tăng mạnh, khoảng 8.00 - 1.100 đồng/lít trong kỳ điều hành giá ngày 21/4, nếu không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, do giá thế giới tăng cao.
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 14/4 với RON 92 là 114,59 USD một thùng, RON 95 là 126,13 USD một thùng, tăng so với đợt điều chỉnh trước đó.
Tuy vậy, mức tăng phụ thuộc vào việc nhà điều hành chi sử dụng quỹ bình ổn (BOG). Trường hợp không sử dụng quỹ BOG, giá xăng có thể tăng từ 800 - 1.100 đồng/lít tùy loại. Nếu nhà điều hành trích hoặc sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng dầu sẽ tăng quanh mức 500-700 đồng/lít.
Ở kỳ điều hành gần nhất, cơ quan quản lý đã thực hiện tăng trích lập Quỹ bình ổn giá ở mức "kỷ lục" khiến cho đà giảm của giá xăng dầu trong nước ngày 12/4 thấp hơn so với kỳ vọng. Cụ thể, đối với các mặt hàng E5RON92 trích lập lên mức 650 đồng/lít và xăng RON95 trích lập lên mức 550 đồng/ít, dầu diesel trích lập lên mức 500 đồng/lít, dầu hỏa từ việc không trích lập đã tăng trích lập 350 đồng/lít.
Theo các đầu mối xăng dầu, giá cơ sở bình quân kể từ phiên điều hành ngày 12/4 tính đến nay tại thị trường Singapore hiện cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước ở mức 500 đồng/lít, còn dầu diesel (DO) cao hơn 1.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, giá cơ sở tính theo ngày trong ngày gần nhất đã cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước đến 1.600 đồng/lít, cao hơn dầu DO 2.000 đồng/lít.
Xu hướng giá xăng dầu thành phẩm đang tăng, dẫn đến kỳ điều hành vào ngày 21/4 sẽ phải tăng giá bán lẻ xăng dầu.
Nguồn tin: Kinh tế môi trường