Khi tâm lý lo ngại suy thoái, khủng hoảng của nhà đầu tư hạ nhiệt hỗ trợ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu, giá dầu hôm nay có xu hướng tăng nhẹ sau tuần giao dịch giảm tới 12 - 13% giá trị.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 20/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2023 đứng ở mức 67,31 USD/thùng, tăng 0,38 USD trong phiên.
Còn giá dầu Brent giao tháng 6/2023 đứng ở mức 73,04 USD/thùng, tăng 0,27 USD trong phiên.
Ảnh minh họa.
Các chuyên gia nhìn nhận, bước vào phiên giao dịch đầu tuần, do tâm lý lo ngại khủng hoảng, suy thoái kinh tế hạ nhiệt khi rủi ro bất ổn trong hệ thống ngân hàng được trấn an nhờ những cam kết mạnh mẽ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, giá dầu hôm nay quay đầu tăng sau tuần giảm sâu.
Nhằm tránh tạo thêm áp lực cho nền kinh tế, các ngân hàng trung ương có thể sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, đây cũng là nhân tố tích cực hỗ trợ giá dầu đi lên. Lạm phát toàn cầu đang có chuyển biến tích cực là cơ sở để thị trường đặt cược vào điều này.
Giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy mạnh bởi dự báo tích cực của OECD về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023. Theo OECD, sau khi tăng trưởng 3,2% trong năm 2022, kinh tế thế giới có thể đạt mức 2,6% trong năm 2023 trong bối cảnh các biện pháp thắt chặt của ngân hàng trung ương có hiệu lực đầy đủ.
Đó là mức kỳ vọng cao hơn đáng kể so với mức dự báo tăng 2,2% trong báo cáo hồi tháng 11/2022. Sự điều chỉnh này xuất phát từ giá lương thực và giá năng lượng giảm, đặc biệt là Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế. OECD cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 2,9%.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu ngày 20/3 cũng bị hạn chế bởi đồng USD mạnh hơn và Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng 25 điểm phần trăm lãi suất sau cuộc họp chính sách diễn ra trong 2 ngày 20 - 21/3,
Tuần trước, giá dầu thô đã có tuần giao dịch giảm mạnh khi những lo ngại về sự bất ổn trên thị trường tài chính, ngân hàng gia tăng tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị