Nguồn cung dầu thắt chặt cùng nỗi lo suy thoái kinh tế là những nguyên nhân chính tác động khiến giá xăng dầu tăng giảm trái chiều. Dầu Brent đi xuống còn WTI duy trì đà tăng mạnh.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 19/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 94,38 USD/thùng, tăng 1,55 USD/thùng trong phiên.
Còn giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 105,54 USD/thùng, giảm 0,73 USD/thùng trong phiên.
Nhận định của các chuyên gia, nguồn cung dầu thắt chặt và nỗi lo suy thoái kinh tế là 2 yếu tố chính tiếp tục chi phối mạnh đến giá dầu ngày 19/7.
Trong phiên cuối ngày 18/7, giá dầu thô được thúc đẩy mạnh bởi đồng USD yếu hơn và các dữ liệu tích cực về doanh số bán lẻ tại Mỹ.
Đồng bạc xanh suy giảm trong bối cảnh thị trường ghi nhận khả năng Fed sẽ tăng lãi suất ở mức 75 điểm phần trăm, thay vì mức 100 điểm phần trăm như đề cập ở các báo cáo trước đó.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ả Rập Xê-út và UAE đã không mang lại những kết quả như kỳ vọng, khi năng lực sản xuất của các nước này gần như đã tới hạn.
Phát biểu tại hội nghị Mỹ - Ả Rập Xê-út hôm 16/7, Thái tử Arabia Mohammed bin Salman cho biết, nước này sẵn sàng tăng sản lượng dầu nhưng mức tới hạn chỉ là 13 triệu thùng và không thể tăng thêm.
Nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc được ghi nhận giảm mạnh trong tháng 6/2022 do lo ngại về dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bức tranh kinh tế đó, giới phân tích vẫn chỉ ra nhiều điểm kỳ vọng. Đó là lĩnh vực khai thác, chế tạo tăng 0,9% so với quý II/2021; doanh số bán lẻ tháng 6 tăng 3,1%; sản xuất công nghiệp phục hồi 3,9% so với cùng kỳ…
Giá dầu hôm nay cũng bị chi phối mạnh bởi nỗi lo thiếu hụt nguồn cung năng lượng ở châu Âu sẽ đẩy nhiều nền kinh tế trong khu vực rơi vào trạng thái suy thoái.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị