Hàng loạt dư liệu tích cực về tăng trưởng kinh tế, sớm ngừng tăng lãi suất, dự trữ giảm… đẩy giá xăng dầu hôm nay lấy lại được đà tăng, cắt đứt chuỗi giảm giá.
Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 19/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2023 tăng 1,6 USD, tương đương 2,2%, lên mức 75,75 USD/thùng. Còn dầu Brent giao tháng 10/2023 tăng 1,13 USD, tương đương 1,4%, lên mức 79,63 USD/thùng.
Ảnh minh họa.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 18/7, giá dầu tăng hơn 1%. Giá dầu bật tăng sau khi Trung Quốc cho biết sẽ hành động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm ngừng tăng lãi suất; và dự trữ dầu của Mỹ giảm nhẹ.
Với mức giá giao dịch ngày 19/7, phí bảo hiểm của Brent so với WTI đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 5. Phí bảo hiểm nhỏ hơn khiến các công ty năng lượng ít có khả năng chi tiền để đưa tàu đến Mỹ nhận hàng dầu thô để xuất khẩu.
Một số tin tức kinh tế trong khoảng một tuần qua, bao gồm báo cáo mới nhất từ Bộ Thương mại Mỹ (công bố ngày 18/7) cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng 0,2% trong tháng 6, thấp hơn so với dự báo tăng 0,5% của các nhà kinh tế. Doanh số bán lẻ trong tháng 5 cũng được sửa đổi cao hơn, tăng 0,5% thay vì 0,3% như báo cáo trước đó. Cũng theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ cốt lõi tăng 0,6%.
Những dữ liệu này cho thấy Fed có rất ít lý do để nghĩ rằng việc thắt chặt của họ đã đi quá xa vào thời điểm này. Theo các nhà phân tích, các dữ liệu gần đây có thể sẽ thúc đẩy kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất sau khi tăng 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào cuối tháng này.
Fed đã tăng lãi suất 500 điểm cơ bản kể từ tháng 3-2022, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong hơn 40 năm. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay và có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Sau dữ liệu GDP của Trung Quốc, nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của nước này đã cam kết sẽ đưa ra các chính sách để "khôi phục và mở rộng" tiêu dùng ngay lập tức.
Các nhà kinh doanh năng lượng dự đoán "thị trường dầu mỏ sẽ vẫn khan hiếm do các lô hàng của Nga giảm và khi Trung Quốc chuẩn bị cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho các hộ gia đình".
Tuy nhiên, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận xét triển vọng tăng trưởng trung hạn vẫn còn yếu.
Về phía cung, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể sẽ giảm lần đầu tiên trong tháng 8 kể từ tháng 12, theo dự báo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Trong ngày 18/7, Viện Dầu khí Mỹ (API), cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 797.000 thùng trong tuần trước; dự trữ xăng giảm 2,8 triệu thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 100.000 thùng.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị