Sau khi tăng hơn 1% do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá dầu ngày 19-4 tồn tại hai sắc màu xanh-đỏ với Brent “neo” ở 113,2 USD/thùng, WTI giảm giá gần 1 USD.
Giá xăng dầu thế giới
Theo oilprice, lúc 6 giờ 15 phút ngày 19-4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 5 được giao dịch ở mức 107,6 USD/thùng, giảm 0,62 USD, tương đương 0,57%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 6 “chững” ở mức 113,2 USD/thùng.
Giá dầu ngày 18-4 đã tăng hơn 1% do việc đóng cửa mỏ dầu chính Al-Fil của Libya càng làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung dầu trên thế giới bị thắt chặt trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có hồi kết và khả năng sẽ có thêm các lệnh trừng phạt mới đối với Nga.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya ngày 18-4 cho biết "một làn sóng đóng cửa đau đớn" đã bắt đầu tấn công các cơ sở của họ. Tập đoàn này cũng tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại hai mỏ dầu lớn của mình là El-Sharara và Al-Fil cũng như điểm khai thác dầu khác.
Việc đóng cửa các mỏ dầu này sẽ khiến gần 1/4 trong số 1,2 triệu thùng dầu Libya sản xuất mỗi ngày “vắng mặt” trên thị trường.
Reuters dẫn lời của Jeffrey Halley, nhà phân tích tại công ty môi giới OANDA cho biết, với nguồn cung toàn cầu hiện nay quá eo hẹp, ngay cả sự gián đoạn nhỏ nhất cũng có thể tác động lớn đến giá cả.
Chính vì vậy, giá dầu thô Brent đã tiếp đà tăng của tuần trước, tăng 1,46 USD, tương đương 1,31%, lên 113,2 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày 18-4, có thời điểm, giá dầu Brent đã chạm 114,84 USD/thùng – mức cao nhất kể từ ngày 28-3.
Giá dầu WTI cũng tăng 1,26 USD, tương đương 1,2%, lên 108,21 USD/thùng. Giá mặt hàng này cũng có lúc đạt 109,81 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 28-3 trong phiên giao dịch cùng ngày.
Cùng với sự thất thoát nguồn cung dầu từ Libya, thông tin sản lượng của Nga đã giảm 7,5% trong nửa đầu tháng 4 so với tháng 3, và các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đang soạn thảo các đề xuất cấm nhập khẩu dầu thô của Nga cũng “đẩy” giá dầu tiến về phía trước.
Theo các chuyên gia dự báo, nếu các biện pháp cấm vận dầu Nga được EU thông qua, thì từ tháng 5, mỗi ngày hơn 7 triệu thùng dầu Nga sẽ bị “đóng băng” chứ không phải chỉ 3 triệu thùng/ngày như cảnh báo giữa tuần trước của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Triển vọng về một thoả thuận hạt nhân mới với Iran giúp cung ứng hơn 1 triệu thùng dầu Iran/ngày đang ngày càng lu mờ.
Với sự “vắng mặt” với số lượng lớn của dầu Nga trong tương lai, sợ rằng nỗ lực giải phóng 240 triệu thùng dầu của Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới khó có thể “hạ nhiệt” mạnh giá dầu.
Bất chấp giá dầu tăng, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn không có ý định bơm thêm dầu.
Trong một tín hiệu giảm giá, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong tháng 3, làm xấu đi triển vọng vốn đã bị suy yếu bởi các biện pháp hạn chế sự lây lan Covid-19. Dữ liệu ngày 18-4 cho thấy Trung Quốc đã tinh chế dầu ít hơn 2% trong tháng 3 so với một năm trước đó, với sản lượng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10 do giá dầu thô tăng mạnh đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận và việc phong tỏa làm giảm nhu cầu.
Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group cho biết vẫn còn một số nhầm lẫn về việc liệu Trung Quốc có đang mở cửa lại nền kinh tế của mình hay không. Vì vậy, những tín hiệu trái chiều từ Trung Quốc khiến giá dầu biến động trong phiên giao dịch ngày 18-4.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 19-4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 26.471 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 27.317 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.380 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.027 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.929 đồng/kg.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân