Giá dầu hôm nay 19/4 quay đầu giảm chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu thấp hơn dự báo và cảnh báo đối diện với nguy cơ suy thoái do tác động của dịch Covid-19 và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ghi nhận đầu giờ sáng nay 19/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 107,31 USD/thùng, giảm 0,30 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 113,24 USD/thùng, giảm 0,19 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 19/4 giảm chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu thấp hơn dự báo trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chậm lại và được cảnh báo đối diện với nguy cơ suy thoái do tác động của dịch Covid-19 và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya ngày 18/4 cho biết "một làn sóng đóng cửa đau đớn" đã bắt đầu tấn công các cơ sở của họ. Tập đoàn này cũng tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại hai mỏ dầu lớn của mình là El-Sharara và Al-Fil cũng như điểm khai thác dầu khác.
Việc đóng cửa các mỏ dầu này sẽ khiến gần 1/4 trong số 1,2 triệu thùng dầu Libya sản xuất mỗi ngày “vắng mặt” trên thị trường.
Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 6% trong tháng 4. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 2 năm trở lại đây nhằm giảm bớt lượng hàng tồn kho do Trung Quốc phong toả nhiều thành phố để chống dịch COVID-19 khiến nhu cầu xăng dầu giảm sút.
Theo đó, các nhà máy lọc dầu dự kiến sẽ giảm lượng khoảng 900.000 thùng/ngày, tương đương 6,3% xuống 3,7 triệu tấn. Nhu cầu giảm tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới sẽ giúp giá dầu toàn cầu hạ nhiệt. Hiện, giá dầu thô vẫn trên 100 USD/thùng sau khi chạm đỉnh 14 năm vào tháng 3, một phần do lo ngại gián đoạn nguồn cung sau cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine.
Cùng với sự thất thoát nguồn cung dầu từ Libya, thông tin sản lượng của Nga đã giảm 7,5% trong nửa đầu tháng 4 so với tháng 3, và các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đang soạn thảo các đề xuất cấm nhập khẩu dầu thô của Nga cũng “đẩy” giá dầu tiến về phía trước.
Theo Reuters dẫn lời của Jeffrey Halley, nhà phân tích tại công ty môi giới OANDA, với nguồn cung toàn cầu hiện nay quá eo hẹp, ngay cả sự gián đoạn nhỏ nhất cũng có thể tác động lớn đến giá cả.
Chính vì vậy, giá dầu thô Brent đã tiếp đà tăng của tuần trước, tăng 1,46 USD, tương đương 1,31%, lên 113,2 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày 18-4, có thời điểm, giá dầu Brent đã chạm 114,84 USD/thùng – mức cao nhất kể từ ngày 28/3.
Giá dầu WTI cũng tăng 1,26 USD, tương đương 1,2%, lên 108,21 USD/thùng. Giá mặt hàng này cũng có lúc đạt 109,81 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 28/3 trong phiên giao dịch cùng ngày.
Theo các chuyên gia dự báo, nếu các biện pháp cấm vận dầu Nga được EU thông qua, thì từ tháng 5, mỗi ngày hơn 7 triệu thùng dầu Nga sẽ bị “đóng băng” chứ không phải chỉ 3 triệu thùng/ngày như cảnh báo giữa tuần trước của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 19/4 được niêm yết cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 26.471 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 27.317 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.380 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.027 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.929 đồng/kg.
Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước đã giảm 3 lần liên tiếp, đưa giá xăng dầu về mức giá tương đương thời điểm đầu tháng 3. Tính chung trong 3 tháng đầu năm, giá xăng đã có 6 lần tăng, 3 lần giảm giá. Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thành phẩm thế giới (căn cứ dùng để tính giá cơ sở) đã tăng 33,7-38,9% từ đầu năm nhưng giá bán lẻ trong nước tăng thấp hơn, ở mức 9-11%.
Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh giảm. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel hiện còn 24.380 đồng/lít; dầu hỏa là 23.020 đồng/lít...
Bảng giá xăng dầu ngày 19/4.
Nguồn tin: Kinh tế môi trường