Sau khi tăng hơn 6% trong tuần và thiết lập mức giá cao nhất trong 1 tháng qua, sáng nay (19.4), các hợp đồng dầu thô trên thế giới đồng loạt giảm hơn 0,5%.
Ngày 19.4, dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ở mức 62,8 USD/thùng, dầu Brent mất 38 cent trong phiên, về 66,4 USD/thùng.
Như vậy, sau khi thiết lập mức giá đỉnh của 1 tháng qua tiến sát mốc 67 USD/thùng, giá xăng dầu hôm nay có xu hướng giảm do lo ngại nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô, giảm trước diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19. Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam, đến 6 giờ sáng nay (19.4), thế giới đã ghi nhận 141.982.694 ca nhiễm Covid-19 và 3.032.056 ca tử vong. Đáng lưu ý, số ca nhiễm mới tại Mỹ vẫn tăng bất chấp Mỹ đang dẫn đầu thế giới về việc triển khai tiêm ngừa vắc xin Covid-19 với hơn 200 triệu liều đã được sử dụng.
Kế đến, giá dầu hôm nay cũng bị áp lực giảm giá bởi căng thẳng Mỹ - Nga leo thang, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần qua đã đưa ra sắc lệnh hành pháp áp hàng loạt lệnh trừng phạt Nga để đáp trả cáo buộc phía Nga can thiệp bầu cử, tấn công mạng... với Mỹ. Lệnh trừng phạt nhắm vào 32 cá nhân, tổ chức và 6 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Nga.
Tuy nhiên, thị trường xăng dầu thế giới vẫn đang được hỗ trợ với một số thông tin khá tích cực. Các nhà phân tích cho rằng, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sẽ được cải thiện khi Mỹ sắp bước vào mùa hè nắng nóng, nhu cầu đi lại nhiều hơn. Một lưu ý của CityGroup đưa ra cho thấy, trữ lượng của các ông lớn dầu khí đã giảm mạnh trong 5 năm qua. Các công ty dầu mỏ quốc tế lớn nhất thế giới như Exxon, Chevron, ConocoPhillips và các ông lớn châu Âu có trữ lượng khai thác trung bình 9,5 năm tính đến cuối năm 2020, giảm 25% so với trữ lượng dầu trước khi giá dầu sụp đổ trước đó vào năm 2015.
Tại thị trường trong nước, ngày 19.4, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, xăng E5 RON92 17.806 đồng/lít; xăng RON 95 18.970 đồng/lít; dầu diesel 14.141 đồng/lít; dầu hỏa 12.827 đồng/lít; dầu mazut 13.687 đồng/kg.
Nguồn tin: Thanh niên