Trên thị trường thế giới, giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng nay sau khi giảm tới 7% vào phiên trước vì lo ngại ngày càng lớn về số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại châu Âu và đồng USD tăng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,7% xuống 59,58 USD/thùng vào lúc 7h15 (giờ Việt Nam) ngày 19/3. Giá dầu thô Brent giao tháng 5, ngược lại, tăng 0,13% lên 62,83 USD/thùng.
Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h15 ngày 19/3/2021
Tên loại | Kỳ hạn | Sàn giao dịch | Giá | %thay đổi | Đơn vị tính |
Dầu thô | Giao tháng 7/2021 | Tokyo | 40.710 | (6,22) | JPY/thùng |
Giá dầu Brent | Giao tháng 5/2021 | ICE | 62,83 | 0,13 | USD/thùng |
Dầu Thô WTI | Giao tháng 4/2021 | Nymex | 59,58 | (0,7) | USD/thùng |
Nguồn: Tố Tố tổng hợp.
Giá dầu thô giảm phiên thứ 5 liên tiếp vào thứ Năm (18/3), ghi nhận ngày giảm nhiều nhất kể từ mùa hè năm ngoái, vì lo ngại ngày càng lớn về số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại châu Âu và đồng USD tăng.
Một số nền kinh tế lớn ở châu Âu đã phải áp dụng lại các biện pháp đóng cửa khi số ca nhiễm COVID-19 tăng lên, trong khi các chương trình tiêm chủng bị chậm lại do lo ngại về tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca đang được phân phối rộng rãi ở châu Âu.
Giá dầu sưởi và xăng của Mỹ cũng giảm hơn 5%.
"Kịch bản tốt nhất cho sự phục hồi nhu cầu đã được đưa ra cho thị trường dầu. Các thành phần trên thị trường đều vui mừng về kế hoạch triển khai vắc xin và các hạn chế được nới lỏng.
Nhưng tại châu Âu vào lúc này, nó dường như đã đi chệch hướng hoàn toàn. Tình trạng đóng cửa ở Ba Lan và Italy đã giáng đòn trí mạng vào trọng tâm của sự phục hồi nhu cầu và luận điểm giúp tăng giá", ông John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC (New York), nhận định.
Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu Brent giao sau giảm 6,9% xuống 63,28 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 7,1%, xuống 60 USD.
Cả hai hợp đồng đều giảm hơn 11% kể từ khi đạt mức cao nhất gần đây vào ngày 8/3. Chuỗi giảm 5 ngày liên tiếp đánh dấu đợt giảm dài nhất đối với dầu WTI kể từ tháng 2/2020 và đối với Brent kể từ tháng 9/2020.
Chuỗi giảm kéo dài diễn ra sau khi các nhà đầu cơ hình thành vị thế mua lớn nhất trên sở giao dịch hàng hoá Chicago (CME) và quyền chọn kể từ năm 2018.
Sau khi thị trường đóng cửa, cả hai loại giá dầu thô tiếp tục giảm, mỗi loại giảm hơn 6 USD/thùng, tương đương 9%, theo Reuters.
Tại Mỹ, dự trữ dầu thô tăng tuần thứ 4 liên tiếp sau khi thời tiết lạnh giá nghiêm trọng ở Texas và miền trung nước này vào tháng 2 buộc các nhà máy lọc dầu phải đóng cửa.
Các nhà giao dịch cho biết lượng dầu tồn kho có thể tăng nhiều hơn sau khi dầu thô WTI vào ngày 12/3 chuyển từ trạng thái bù hoãn bán sang bù hoãn mua, từ là giá thực tế trong tương lai cao hơn giá giao ngay trong tương lai.
Sự gia tăng của đồng USD cũng đã góp phần vào tình trạng bán tháo của giá dầu. Đồng USD mạnh hơn khiến giá dầu đắt hơn đối với những người mua dầu bằng các loại tiền tệ khác.
Chiều ngày 12/3, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng dầu | Thay đổi | Không cao hơn |
---|---|---|
Xăng E5RON92 | tăng 691 đồng/lít | 17.722 đồng/lít |
Xăng RON95-III | tăng 797 đồng/lít | 18.881 đồng/lít |
Dầu diesel 0.05S | tăng 558 đồng/lít | 14.401 đồng/lít |
Dầu hỏa | tăng 563 đồng/lít | 13.173 đồng/lít |
Dầu mazut 180CST 3.5S | tăng 642 đồng/kg | 13.769 đồng/kg |
Mức giá này có hiệu lực từ 15h ngày 12/3.
Nguồn tin: Vietnambiz