Đảo ngược đà lao dốc của hai phiên giao dịch cuối tuần trước, giá xăng dầu bắt đầu tăng nhẹ. Dầu Brent tăng nhẹ lên mức 79,24 USD/thùng, dầu WTI tăng 0,28%.
Giá dầu thế giới
Giá dầu tuần trước đã quay đầu tăng sau một tuần “lao dốc không phanh” tới hơn 10%.
Mặc dù “bỏ túi” tới hơn 3 USD cả tuần, nhưng ở hai phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu đã giảm do chịu tác động của các đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ, Anh, và châu Âu và sự gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra.
Giá xăng dầu bắt đầu tuần mới trong sắc xanh. Ảnh minh hoa: Oilprice |
Giữa tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Mức tăng này không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia. Trước khi giảm tốc về mức tăng này, Fed đã có 4 đợt nâng lãi suất liên tiếp 0,75 điểm phần trăm.
Các quan chức trong Ủy ban Thị trường mở (FOMC), bộ phận hoạch định chính sách tiền tệ của Fed, dự kiến rằng lãi suất cần được tiếp tục tăng trong năm 2023 và sẽ không được cắt giảm cho tới năm 2024. Fed dự kiến tăng lãi suất lên mức đỉnh 5,1% rồi mới dừng tăng. Mức lãi suất cực đại này cao hơn nhiều so với con số 4,6% mà Fed dự báo hồi tháng 9.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu rằng cần có thêm nhiều dữ liệu kinh tế trước khi Fed có thể thực sự thay đổi cái nhìn về lạm phát. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất dù lạm phát ở Mỹ đã giảm.
Theo nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets, giá dầu đang chịu áp lực do hướng dẫn "diều hâu" của Fed đối với chính sách tiền tệ của họ, làm dấy lên những lo ngại mới về tăng trưởng kinh tế, nâng giá USD, giảm giá hàng hóa.
Ngoài Ngân hàng Trung ương Mỹ, cũng trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp với mức tăng 50 điểm cơ bản lên mức 2%. Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm, từ 3% lên 3,5% - mức lãi suất cơ bản cao nhất của ngân hàng này trong 14 năm qua.
Việc các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất khiến lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu khó có thể thuyên giảm.
Trước khi lao dốc 2 phiên cuối cùng của tuần, giá dầu đã tăng do đường ống dẫn dầu Keystone vẫn đang trong quá trình sửa chữa, Nga đe dọa cắt giảm sản lượng, và dự báo của OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về khả năng phục hồi nhu cầu trong năm tới.
Theo OPEC, nhu cầu dầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2023 lên 101,8 triệu thùng/ngày. Còn theo IEA, tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023 tăng 1,7 triệu thùng/ngày lên 101,6 triệu thùng/ngày.
Giá dầu WTI đang giảm dần về ngưỡng 70 USD/thùng. Trước tình hình này, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sẽ mua 3 triệu thùng dầu thô bổ sung cho kho dự trữ chiến lược của mình. Dự kiến việc thu mua sẽ được tiến hành trong tháng 1-2023.
Giá xăng dầu sẽ tiếp tục biến động trong tuần. Ảnh minh họa: CNBC |
Động thái mua dầu được đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định giải phóng lượng dầu kỷ lục từ kho dự trữ trong năm 2022 để ổn định giá dầu.
Bộ Năng lượng Mỹ sẽ mua dầu với giá thấp hơn giá trung bình hiện nay là 96 USD/thùng. Theo thông cáo của bộ này, đây là cơ hội nhằm tăng cường an ninh năng lượng của Mỹ. Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ, tính đến ngày 9-12, kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ đã giảm 4,7 triệu thùng, còn 382,3 triệu thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 6-1-1984.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 19-12 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 20.346 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 21.200 đồng/lít; dầu diesel không quá 21.670 đồng/lít; dầu hỏa không quá 21.901 đồng/lít và dầu mazut không quá 13.016 đồng/kg.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân