Lo ngại nguồn cung thắt chặt, dự trữ dầu của Mỹ giảm đẩy giá xăng dầu tiếp tục tăng tốc, Brent vượt 91 USD/thùng.
Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 19/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 12 tăng 1,66 USD, tương đương 1,92%, lên mức 88,32 USD/thùng. Còn dầu Brent tăng 1,6 USD, tương đương 1,8%, lên mức 91,5 USD/thùng.
Ảnh minh họa.
Các chuyên gia cho biết, giá dầu đã tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong 2 tuần khi kết thúc phiên giao dịch ngày 18/10. Đáng chú ý là trong phiên, cả hai loại dầu chuẩn đều có thời điểm tăng hơn 3 USD.
Đà leo dốc của giá dầu được hỗ trợ bởi dự trữ dầu của Mỹ giảm và lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn sau khi Iran kêu gọi cấm vận dầu mỏ đối với Israel do xung đột ở Gaza.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 13/10 đã giảm 4,5 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với mức giảm dự báo 0,3 triệu thùng. Tồn kho xăng của Mỹ tiếp tục giảm 2,4 triệu thùng; tồn kho các sản phẩm chưng cất giảm 3,2 triệu thùng.
Ngoài nhân tố dự trữ xăng dầu của Mỹ giảm, vụ tấn công rocket vào một bệnh viện ở Gaza làm hàng trăm người Palestine thiệt mạng cũng đã đẩy giá dầu bật tăng.
Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong phiên sau khi Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian kêu gọi cấm vận dầu đối với Israel sau vụ nổ tại bệnh viện này. Nguồn tin từ OPEC thông tin với Reuters rằng, nhóm không có kế hoạch thực hiện bất kỳ hành động ngay lập tức nào đối với lời kêu gọi của thành viên Iran.
Jordan đã hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh dự kiến tổ chức với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Ai Cập và Palestine. Tổng thống Mỹ đã đến Israel ngày 18/10, cam kết đoàn kết với Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi dữ liệu chính thức cho thấy tăng trưởng kinh tế trong quý III cao hơn dự kiến ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, doanh số bán lẻ tháng 9 cao hơn dự kiến đã làm tăng kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất khác vào cuối năm. Việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị