Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn nhiều biến động, giá dầu thế giới hôm nay (18/4) bất ngờ lao dốc, dầu thô xuống dưới mức 80 USD/thùng, dầu Brent mất mốc 85 USD/thùng. Các chuyên gia dự báo những phiên giao dịch sắp tới, giá dầu có thể giằng co trong biên độ hẹp.
Ảnh minh họa |
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 18/4/2023, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2023 ở mức 79,95 USD/thùng, giảm 0,1 USD trong phiên và giảm 1,66 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 17/4.
Trong khi giá dầu Brent giao tháng 7/2023 đứng ở mức 84,41 USD/thùng, giảm 0,04 USD trong phiên.
Giá dầu thế giới hôm nay (18/4) quay đầu giảm trong bối cảnh đồng USD đang phục hồi mạnh mẽ, tăng khoảng 0,6% vào ngày 17/4. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục chính sách tăng lãi suất khiến dầu được định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó đẩy giá dầu đi xuống.
Fed dự báo nền kinh tế Mỹ có thể suy thoái nhẹ vào cuối năm nay. Các chuyên gia cho rằng việc Fed tập trung vào ngăn chặn lạm phát có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế, theo đó làm giảm nhu cầu về dầu trong tương lai của Mỹ, nước sử dụng dầu lớn nhất thế giới.
Các quan chức của nhóm G7 cho biết họ sẽ duy trì mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, bất chấp giá dầu thô toàn cầu tăng và một số quốc gia kêu gọi giảm giá trần để hạn chế nguồn thu của Moscow.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn nhiều biến động, các chuyên gia dự báo những phiên sắp tới, giá dầu có thể giằng co trong biên độ hẹp.
Dữ liệu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I của Trung Quốc sẽ được công bố vào hôm nay (18/4). Dữ liệu này sẽ tác động trực tiếp đến những chính sách thúc đẩy kinh tế và cả nhu cầu về dầu trong tương lai của nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo Trung Quốc sẽ chiếm phần lớn nhu cầu về dầu trong năm 2023.
Theo báo cáo của IEA, Trung Quốc được cho là chiếm khoảng một nửa nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, đạt mức cao kỷ lục gần 102 triệu thùng/ngày. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng cao đáng kể.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự đoán tăng trưởng nhu cầu về dầu ở Trung Quốc sẽ đạt mức 700.000 thùng/ngày. Bên cạnh đó, OPEC cũng khá lạc quan về nhu cầu của Ấn Độ, kỳ vọng nước này dẫn đầu về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong chưa đầy 20 năm nữa và sẽ duy trì vai trò dẫn đầu này cho đến ít nhất năm 2045. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Sitharaman cho rằng, việc nhập khẩu dầu rất quan trọng đối với nền kinh tế của Ấn Độ khi 80% lượng dầu thô của nước này sử dụng đến từ bên ngoài. Trong bối cảnh căng thẳng trước chiến sự tại Ukraine, Ấn Độ đã áp dụng chính sách ngoại giao để bảo vệ quyết định tiếp tục mua dầu từ Nga.
Với tốc độ gia tăng nhu cầu dầu mỏ và khí đốt hiện nay, Trung Quốc, Ấn Độ và phần còn lại của châu Á sẽ là tâm điểm chú ý của cả OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt khác.
Nhu cầu xăng của Indonesia trong năm nay dự kiến sẽ đánh bại kỷ lục đã được thiết lập vào năm ngoái. Nước này là nhà nhập khẩu xăng lớn nhất ở châu Á, với nhu cầu năm 2023 tăng lên tới 670.000 thùng/ngày. Trong khi đó, Malaysia cũng báo cáo số lượng dầu khí phát hiện tăng gấp đôi vào năm ngoái.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 23.173 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 24.245 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 20.149 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 19.739 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.194 đồng/kg.
Nguồn tin: PetroTimes