USD tăng, dự trữ xăng dầu của Mỹ tăng tiếp tục đẩy giá xăng dầu lao dốc phiên thứ tư. Giá dầu Brent giảm dần về mốc 85 USD/thùng.
Giá dầu thế giới
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16-2, giá dầu giảm nhẹ sau khi giao dịch trong biên độ hẹp do thị trường cân nhắc các tín hiệu kinh tế trái chiều của Mỹ và triển vọng phục hồi nhu cầu của Trung Quốc với việc tăng dự trữ dầu thô của Mỹ.
Giá xăng dầu đang trải nghiệm tuần lao dốc. Ảnh minh họa: Businesstoday |
Giá dầu Brent giao tháng 4 giảm 24 cent, tương đương 0,28%, xuống mức 85,14 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 10 cent xuống mức 78,49 USD/thùng.
Trong khi dữ liệu của Mỹ cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn mạnh mẽ, thước đo sản xuất ở khu vực giữa Đại Tây Dương bất ngờ lao dốc.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland Loretta Mester cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể mạnh tay tăng lãi suất nếu lạm phát bất ngờ tăng lên. Dữ liệu mới nhất về lạm phát cho thấy giá cả vẫn ở mức cao. Nhưng Mester không muốn Mỹ rơi vào suy thoái.
Đồng USD nhanh chóng tăng lên mức cao nhất trong 6 tuần so với rổ tiền tệ sau dữ liệu của Mỹ đã gây áp lực lên giá dầu, đẩy giá dầu tiếp tục lao dốc sâu hơn.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Dầu Brent một lần nữa thất bại trong việc vượt lên trên đường trung bình động 100 ngày trong tuần này”.
Giá dầu Brent chuẩn dao động trong phạm vi 80-90 USD/thùng trong 6 tuần qua, trong khi giá dầu WTI dao động trong khoảng 72-83 USD/thùng kể từ tháng 12-2022.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ vào tuần trước đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6-2021 sau khi tăng nhiều hơn dự kiến. Cụ thể, dự trữ dầu của Mỹ tăng 16,3 triệu thùng trong tuần trước lên 471,4 triệu thùng.
Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho biết trong một lưu ý rằng giá dầu hiện đang rất biến động, đồng thời chỉ ra việc Nga cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày trong tháng 3, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc và một triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn sẽ tiếp tục gây tác động lên giá dầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu của Trung Quốc sẽ chiếm gần 1/2 tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sau khi nước này nới lỏng các biện pháp kiềm chế dịch Covid-19.
Trong tuần, OPEC cũng nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu thêm 100.000 thùng/ngày dựa trên tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc. Theo đó, nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay sẽ tăng 2,32 triệu thùng/ngày, tương đương 2,3%.
Về phía cung, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết thỏa thuận hiện tại của OPEC+ nhằm cắt giảm mục tiêu sản xuất dầu 2 triệu thùng/ngày sẽ có hiệu lực cho đến cuối năm nay, đồng thời cho biết thêm rằng ông vẫn thận trọng về nhu cầu của Trung Quốc.
Bob Yawger, Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho ở New York, cho biết kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm giải phóng thêm dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ cũng sẽ "rất có thể hạn chế bất kỳ đợt tăng giá nào trong những tuần tới".
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 17-2 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 22.869 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 23.767 đồng/lít. Dầu diesel không quá 21.562 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 21.594 đồng/lít. Dầu mazut không quá 13.636 đồng/kg. |
Nguồn tin: Quân đội nhân dân