Không phải giảm 1,8 triệu thùng như dự báo, dự trữ xăng tại Mỹ trong tuần qua tăng vọt lên 1 triệu thùng, đẩy giá dầu tiếp tục lao dốc.
Ngày 16.7, cả hai loại dầu đều tiếp đà giảm nhẹ, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ngưỡng 71,6 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu ở ngưỡng 73.4 USD/thùng. Kết thúc phiên khuya 15.7, dầu thô Brent giảm 1,29 USD tương đương 1,7% xuống 73,47 USD/thùng và dầu WTI giảm 1,48 USD tương đương 2,2% xuống 71,65 USD/thùng.
Theo báo cáo hằng tháng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mới công bố, nhu cầu dầu toàn cầu trong thời gian còn lại của năm 2021 sẽ hồi phục mạnh còn nhu cầu sử dụng dầu trong năm 2022 sẽ đạt mức tương tự như trước đại dịch Covid-19. Dù thỏa thuận giữa Ả Rập Xê Út và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất vẫn chưa được công bố, song giá dầu lao dốc liên tiếp trong 2 ngày qua sau thông tin dầu sẽ được bơm vào thị trường nhiều hơn này. Chuyên gia phân tích thị trường của Price Futures Group nhận định việc có đạt một thỏa thuận chính thức hay không vẫn còn là vấn đề lớn, điều đó làm gia tăng lo ngại trên thị trường.
Trong khi đó, theo dữ liệu được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc ngày 9.7, dự trữ dầu thô của nước này tiếp tục giảm và là tuần giảm thứ 8 liên tiếp. Song dự trữ xăng dầu lại tăng thêm 1 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn so với kỳ vọng giảm 1,8 triệu thùng được đưa ra trước đó. Trên Reuters, một nhà phân tích nói câu đơn giản khi nhận xét về thị trường: Nếu không cần xăng, bạn không cần dầu thô để tạo ra xăng.
Tại châu Á, một số dữ liệu cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, có dấu hiệu chậm lại. Theo thông tin được Trung Quốc công bố ngày 15.7, tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 2/2021 là 7,9%, mức cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 18,3% của quý 1/2021. The New York Times cho rằng, có nhiều yếu tố mạnh - yếu lẫn lộn. Khi chi phí nguyên liệu thô tăng cao đang ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà máy và nhà bán lẻ thì xuất khẩu vẫn tăng mạnh, dù sức mua đang mạnh lên nhưng các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn chật vật. Lạm phát bắt đầu quay trở lại và sự không chắc chắn vì đại dịch đang đè nặng lên tất cả.
Trong nước, ngày 16.7, giá bán lẻ xăng dầu phổ biến trên thị trường như sau: xăng E5 RON92 20.610 đồng/lít, xăng RON95 21.783 đồng/lít, dầu diesel 16.537 đồng/lít, dầu hỏa 15.503 đồng/lít, dầu mazut 15.670 đồng/kg.
Nguồn tin: Thanh niên