Giá xăng dầu hôm nay 16/11 quay đầu tăng, ghi nhận mức điều chỉnh hơn 1% trên sàn giao dịch Tokyo; Bộ Công Thương đã chỉ ra những nguyên nhân chính khiến giá xăng dầu tăng "nóng" thời gian qua tại Hội nghị giao ban báo chí ngày 15/11.
Giá xăng dầu hôm nay 16/11
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,29% xuống 87,17 USD/thùng vào lúc 7h23 (giờ Việt Nam) ngày 16/11. Giá dầu thô Brent giao tháng 1 cũng tăng 0,72% lên 93,81 USD/thùng.
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch hôm thứ Ba (15/11) và ổn định ở mức cao hơn sau khi có tin nguồn cung dầu cho Hungary thông qua đường ống dẫn dầu Druzhba tạm thời bị ngừng hoạt động do áp suất giảm, Reuters đưa tin.
Transneft - công ty độc quyền đường ống thuộc sở hữu nhà nước của Nga (TRNF_p.MM) đã được Ukraine thông báo về sự cố gián đoạn đường ống, theo hãng thông tấn RIA.
Mỹ cho biết họ đang điều tra các báo cáo chưa được xác nhận rằng, tên lửa của Nga đi lạc đã gây ra vụ nổ khiến hai người thiệt mạng tại một ngôi làng Ba Lan gần biên giới với Ukraine.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) cho biết, lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga bắt đầu vào ngày 5/12, có nghĩa là 1,1 triệu thùng mỗi ngày (bpd) phải được thay thế.
Một yếu tố khác hỗ trợ thêm cho giá dầu, giá sản xuất của Mỹ tăng ít hơn dự kiến trong tháng 10, nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát đang bắt đầu giảm bớt. Điều này có thể cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất mạnh mẽ.
Các chỉ số Phố Wall tăng sau dữ liệu trên, trong khi chỉ số USD giảm, khiến dầu được định giá bằng đồng “bạc xanh” trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 16/11 được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 11/11 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Cụ thể, giá xăng giá xăng E5 RON 92 tăng 838 đồng/lít, lên 22.711 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.111 đồng/lít, lên 23.867 đồng/lít. Tương tự, giá dầu hỏa tăng lên 24.747 đồng/lít; dầu diesel giảm 87 đồng/lít xuống 24.983 đồng/lít; dầu mazut tăng 678 đồng/kg lên 14.760 đồng/kg.
Bộ Công Thương vừa có báo cáo cung cấp một số thông tin về tình hình xăng dầu trong nước tại hội nghị giao ban báo chí ngày 15/11. Theo bộ này, từ khi diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, thị trường xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng, giảm khó lường.
Đặc biệt, thời gian gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngưng kinh doanh, bán hàng cầm chừng, ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường.
Tiếp tục chỉ ra các nguyên nhân, bộ này cho rằng do những biến động bất thường của thị trường thế giới, gây khủng hoảng về nguồn cung xăng dầu trên toàn thế giới. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 20-30% lượng xăng dầu thành phẩm và nhập nguyên liệu dầu thô phục vụ hoạt động sản xuất tại các nhà máy lọc dầu, nên các vấn đề của thị trường thế giới đã ảnh hưởng tới biến động của thị trường xăng dầu trong nước.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cho hay nhu cầu xăng dầu trong nước tăng khá cao so với dự kiến do sự phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, cao hơn dự báo khiến nhu cầu tiêu dùng mặt hàng xăng, dầu tăng cao, trong bối cảnh nguồn cung chưa tăng tương ứng.
Thêm nữa, nguồn sản xuất từ hai nhà máy lọc dầu trong nước 10 tháng đầu năm 2022 chưa đảm bảo theo kế hoạch năm đặt ra. Dẫn tới còn thiếu 170.000 m3/tấn xăng, dầu các loại (nguồn trong nước sản xuất là 9,7 triệu m3/tấn, trong khi kế hoạch đăng ký 10 tháng đầu năm là 9,87 triệu m3/tấn).
Bộ này cũng cho rằng do giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp và khác thường, trong 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng 37 - 85% so với cùng kỳ năm 2021. Thực tế này khiến cho doanh nghiệp xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao, nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng, cắt giảm các chi phí nên cắt giảm mạnh ở khâu bán hàng, gián đoạn việc bán hàng.
Ngoài ra là các lý do khác như tỉ giá USD/VND tăng cao dẫn đến chi phi kinh doanh xăng dầu tăng theo làm cho hoạt động kinh doanh xăng dầu càng thêm thua lỗ. Tình hình mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển xăng dầu từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài về kho của doanh nghiệp, làm chậm nguồn cung.
Về nguyên nhân chủ quan, bộ này cho rằng nhiều chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế tăng liên quan, nhưng chưa được rà soát, điều chỉnh tăng và tính đúng, tính đủ. Giá xăng dầu tăng, tỉ giá USD/VND tăng nên nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ, nguồn tín dụng, nên chỉ duy trì nhập hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc doanh nghiệp và duy trì lượng hàng dự trữ tồn kho theo quy định.
Một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước giấy phép do vi phạm hành chính nên ảnh hưởng tới nguồn cung, một số doanh nghiệp đầu mối bị Tổng cục Hải quan ngừng thông quan mặt hàng xăng dầu do không đáp ứng điều kiện về việc kết nối dữ liệu điện tử.
Nguồn tin: Thế giới & Việt nam