Sau khi bật tăng hơn 8% trong tuần trước, đà tăng của giá xăng dầu dường như vẫn chưa dừng lại. Giá dầu Brent đang trên đường chinh phục lại mốc 90 USD/thùng.
Giá dầu thế giới
Tuần trước, cả dầu Brent và WTI đều đã leo dốc tới hơn 8% sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới, mở ra triển vọng nhu cầu nhiên liệu tăng ở quốc gia Đông Á này cùng sự trượt dốc của đồng bạc xanh khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ giảm cho thấy lạm phát ở nước này đang có xu hướng giảm bền vững.
Giá xăng dầu đang có chiều hướng tăng tiếp. Ảnh minh họa: Getty |
Giá dầu đã tăng liên tục trong 5 phiên giao dịch. Tuy nhiên, trong các phiên, giá dầu cũng có thời điểm lao dốc nhưng sau đó đã nhanh chóng lấy lại được đà leo dốc Tamas Varga của nhà môi giới dầu mỏ PVM cho biết việc mở cửa dần dần nền kinh tế Trung Quốc sẽ cung cấp một lớp hỗ trợ giá bổ sung.
Việc mở cửa trở lại biên giới sau 3 năm đóng cửa vì dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu du lịch của người dân trong nước. Theo tin từ Bắc Kinh, trong dịp Tết Nguyên đá, sẽ có khoảng 2 tỷ chuyến đi, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái và bằng 70% so với năm 2019.
Nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới này cũng đã ban hành hạn ngạch nhập khẩu dầu thô trong năm 2023, nâng tổng hạn ngạch cho năm nay thêm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong tuần, sự lao dốc của chỉ số USD cũng tác động không nhỏ đến giá dầu. Đồng bạc xanh chỉ còn được giao dịch trong khoảng 102 – mức thấp nhất trong 7 tháng đã hỗ trợ giá dầu chinh phục lại những đỉnh cao đã mất.
Giá dầu tiếp tục leo dốc với sự hỗ trợ của thông tin lạm phát ở Mỹ có xu hướng giảm sau khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ bất ngờ giảm 0,1% trong tháng 12-2022. Lạm phát được hạ nhiệt củng cố thêm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thu hẹp tốc độ tăng lãi suất và chỉ tăng khoảng 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra vào ngày 31-1 và 1-2.
Trong một diễn biến khác, các nước G7 đang xem xét mức trần giá đối với các sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga.
Theo kế hoạch, ngày 5-2, liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga, bao gồm cả dầu diesel. Theo các quan chức từ EU, khối này và các nước G7 đã bảo đảm nguồn cung thay thế các sản phẩm của Nga và có thể sử dụng nguồn dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược của mình để giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt sắp tới và trần giá đối với các sản phẩm tinh chế của Nga.
EU sẽ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm dầu khác của Nga bắt đầu từ ngày 5-2, trong khi G7 cũng có kế hoạch thực hiện trần giá đối với các sản phẩm đó, mặc dù mức chính xác vẫn đang được thảo luận.
Các biện pháp này nằm ngoài lệnh cấm vận tương tự của EU và mức trần giá 60 USD/thùng của G7 đối với các lô hàng dầu thô của Nga có hiệu lực từ ngày 5-12.
Nga là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất của EU.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 16-1 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.352 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 22.155 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.634 đồng/lít; dầu hỏa không quá 21.809 đồng/lít và dầu mazut không quá 13.633 đồng/kg.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân