Lo ngại về việc cung vượt quá cầu ngày một lớn tiếp tục đẩy giá dầu hôm nay đi xuống, đặc biệt sau thông tin Iraq có thể rút khỏi thoả thuận của OPEC+ và nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ giảm mạnh.
Tính đến đầu giờ sáng ngày 15/9, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2020 đứng ở mức 37,61 USD/thùng, tăng 0,05 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 14/9, giá dầu WTI giao tháng 11/2020 đã giảm 0,08 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2020 đứng ở mức 39,68 USD/thùng, tăng 0,07 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm 0,11 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 14/9.
Giá dầu ngày 15/9 giảm trong bối cảnh quan ngại về việc mất cân đối cung – cầu trên thị trường dầu thô ngày một lớn.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Dharmendra Pradhan ngày 14/9 cho biết hóa đơn nhập khẩu dầu thô của nước này đã giảm xuống còn 1/3 trong 4 tháng đầu của tài khóa 2020/2021 (kết thúc vào cuối tháng 3/2021).
Cụ thể, theo PTI, Ấn Độ đã chi 12,4 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 57 triệu tấn dầu thô trong thời gian từ tháng 4-7/2020 so với mức chi 36,2 tỷ USD cho việc nhập khẩu 74,9 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái.
Ấn Độ phụ thuộc 85% vào nguồn dầu thô nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước. Lệnh phong tỏa toàn quốc đã làm giảm gần 50% mức tiêu thụ nhiên liệu của Ấn Độ xuống còn 9,89 triệu tấn trong tháng 4/2020.
Ở diễn biến khác, Iraq được cho có thể sẽ rút khỏi thoả thuận cắt giảm sản lượng OPEC+ từ quý I/2021 khi mà chính quyền nước này đang phải chịu nhiều áp lực nội bộ và ngày càng có nhiều ý kiến đề xuất rút khỏi thỏa thuận trong bối cảnh giá dầu thế giới thấp.
Trong khi 97% ngân sách đất nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô và cần huy động thêm nguồn lực nhằm vực dậy ngành công nghiệp dầu mỏ trong nước, thì các quốc gia khác (kể cả thành viên OPEC) đang hưởng lợi từ thỏa thuận và tăng thị phần. Baghdad đang gặp khó khăn ngay trong việc cắt giảm sản lượng đơn thuần theo cam kết ban đầu, chưa kể khoản nợ cắt giảm bổ sung 851.000 bpd. Iraq cho rằng nước này đã bị đối xử không công bằng vào năm 2016, khi lọt vào danh sách ngoại lệ bao gồm Libya, Nigeria, Iran và Venezuela. Động thái này diễn ra sau khi nhiều công ty năng lượng Mỹ, bao gồm ExxonMobil và Chevron đã ký hàng loạt thỏa thuận thăm dò, khai thác dầu khí tại Iraq trị giá 8 tỷ USD tháng trước.
Ngoài ra, diễn biến của dịch Covid-19 gia tăng tại nhiều quốc gia cộng với triển vọng phục hồi kinh tế khó khăn cũng làm gia tăng quan ngại về khả năng cải thiện nhu cầu dầu, qua đó tạo sức ép lên giá dầu hôm nay.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết như sau: như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 14.266 đồng/lít (giảm 143 đồng/lít so với giá hiện hành); giá xăng RON 95-III không cao hơn 14.984 đồng/lít (giảm 130 đồng/lít); dầu diesel 0.05S không cao hơn 11.518 đồng/lít (giảm 443 đồng/lít); dầu hỏa không cao hơn 9.593 đồng/lít (giảm 532 đồng/lít); dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 10.943 đồng/kg (giảm 240 đồng/kg).
Nguồn tin: Petrovietnam