Tiếp đà lao dốc cuối tuần trước, giá dầu bắt đầu tuần trong sắc đỏ. Dầu thô Brent giảm nhẹ xuống 97,73 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới
Theo Oilprice, lúc 6 giờ ngày 15-8 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 91,73 USD/thùng, giảm 0,36 USD, tương đương 0,39%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 10 được giao dịch ở mức 97,73 USD/thùng, giảm 42 cent, tương đương 0,43%.
Tuần trước, giá dầu luôn biến động trong các phiên giao dịch. Đầu phiên tăng, hoặc giảm, đến cuối phiên giá dầu đảo chiều.
Giá “vàng đen” lên-xuống bởi nhiều nhân tố, trong đó có tín hiệu tích cực từ nhập khẩu tăng của Trung Quốc, dự trữ xăng của Mỹ giảm trong khi dự trữ dầu tăng, sự biến động của đồng USD, và nhất là lạm phát ở Mỹ có chiều hướng “hạ nhiệt”.
Đã có thời điểm, giá dầu thô Brent “trượt dốc” sâu xuống dưới 94 USD/thùng, nhưng cũng có lúc tiệm cận 99 USD/thùng. Giá dầu Brent đã ngấp nghé trở lại mức 3 con số. Tuy nhiên, những yếu tố khiến giá dầu leo dốc như đồng bạc xanh giảm giá, nhu cầu phục hồi tại Mỹ, dòng dầu từ Nga đến châu Âu qua đường ống Druzhba được nối lại không đủ để dầu “bứt phá”.
Cũng trong tuần trước, dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trái chiều của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã tác động không nhỏ đến sự tăng-giảm của giá dầu.
Trong khi IEA nâng triển vọng nhu cầu dầu năm 2022 thêm 380.000 thùng/ngày, lên 2,1 triệu thùng/ngày và dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu cho năm nay đạt trung bình 99,7 triệu thùng/ngày thì OPEC lại cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới 260.000 thùng/ngày xuống 3,1 triệu thùng/ngày.
Theo OPEC, tác động của việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, lạm phát cao và nỗ lực kiềm chế đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu dầu giảm.
Dù cắt giảm dự báo, nhưng con số của OPEC đưa ra vẫn cho thấy nhu cầu dầu toàn cầu về tổng thể vẫn cao hơn so với IEA.
Tuần này, thị trường dầu sẽ dõi theo vòng đàm phán hạt nhân Iran. Các chuyên gia đang kỳ vọng về một thỏa thuận hạt nhân sẽ đạt được, mở ra triển vọng nguồn cung dồi dào hơn từ Iran cho thị trường vẫn đang “khát” dầu.
Những động thái tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ được đưa vào “tầm ngắm”.
Mối lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn sẽ đeo bám giá dầu.
Một tuần biến động nữa của giá dầu đã bắt đầu. Tuần trước, dù lao dốc trong khoảng 2% ở phiên giao dịch cuối, tính cả tuần, giá dầu thô Brent vẫn tăng 3,4%, dầu thô WTI tăng 3,5%, đảo ngược hoàn toàn đà “trượt dốc sâu” của hai mặt hàng dầu này ở tuần ngay trước đó.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 15-8 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.725 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 24.669 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.908 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.320 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.548 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được điều chỉnh giảm tại phiên điều hành giá chiều 11-8 của Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Giá xăng dầu đã giảm quanh mốc 1.000 đồng/lít, riêng mặt hàng dầu mazut vẫn giữ nguyên giá.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân