Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tiếp tục là tác nhân kìm hãm giá xăng dầu hôm nay, bất chấp OPEC+ đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục.
Ảnh minh hoạ
Theo ghi nhận của Petrotimes, tính đến đầu giờ sáng ngày 13/4, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2020 đứng ở mức 27,98 USD/thùng, tăng 0,58 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2020 đứng ở mức 30,11 USD/thùng, tăng 0,51 USD/thùng trong phiên nhưng giảm 2,17 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 14/4.
Giá dầu ngày 15/4 tiếp tục giao dịch khó khăn khi những dự báo về nhu cầu vẫn chưa được cải thiện. Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến mới, tác động ngày càng lớn hơn tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là Mỹ.
Tính đến đầu giờ sáng 15/4, Thế giới ghi nhận hơn 125.000 người chết trong gần 2 triệu ca nhiễm nCoV, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 602.989 ca nhiễm và 25.575 ca tử vong, tăng lần lượt 21.310 và 1.957 ca.
Giám đốc điều hành Gazprom Neft, Alexander Dyukov, khi đưa nhận định về giá dầu đã cho rằng, thỏa thuận OPEC+ sẽ không thúc đẩy giá dầu tăng mạnh ngay lập tức, nhưng nếu cộng đồng quốc tế làm tốt việc ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19, giá dầu có thể tăng từ 40 - 45 USD/thùng.
Trước đó, OPEC+ đã thông qua một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc giảm sản lượng ở mức 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu. Quá trình cắt giảm sản lượng sẽ bắt đầu được thực hiện từ ngày 1/5 đến cuối tháng 6. Sau đó, OPEC+ sẽ tiếp tục giảm thêm 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến hết năm 2020 và giảm thêm 6 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay lượng tiêu thụ các sản phẩm dầu khí hàng ngày đã giảm 19% trong tuần kết thúc ngày 3/4, xuống gần mức thấp nhất trong 30 năm qua. Trong khi đó, các kho dự trữ dầu ngày càng "phình lên".
Nguồn tin: petrotimes.vn