Giá xăng dầu quay đầu tăng nhẹ sau dữ liệu lạm phát của Mỹ bất chấp dự trữ dầu của Mỹ tăng mạnh. Giá dầu Brent vượt mốc 80 USD/thùng.
Giá dầu thế giới
Phiên giao dịch đầy biến động ngày 12-7 đã kết thúc bằng sự tăng giá của cả dầu Brent và WTI. Đầu phiên, giá dầu đã quay đầu giảm khi thị trường tiếp nhận thông tin về dự trữ xăng dầu tăng từ Viện Dầu khí Mỹ (API). Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố trong ngày đã thúc đẩy giá dầu bật tăng. Điều đáng chú ý là giá dầu Brent lần đầu tiên kể từ tháng 5 đã tăng vượt ngưỡng 80 USD/thùng.
Giá xăng dầu đã tăng vượt ngưỡng 80 USD/thùng. Ảnh minh họa: Oilprice
Giá dầu Brent tăng 71 cent, tương đương 0,9%, lên mức 80,11 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ tăng 92 cent, tương đương 1,2%, lên mức 75,75 USD/thùng.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ đưa ra ngày 12-7 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng nhẹ 0,2% trong tháng 6. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng 3% - mức tăng hằng năm thấp nhất kể từ tháng 3-2021 và thấp hơn mức tăng 4% trong tháng 5. Lạm phát hằng năm chỉ bằng 1/3 so với tháng 6 năm ngoái, khi giá cả tăng 9,1%.
Lạm phát hạ nhiệt cũng đồng nghĩa với việc tăng sức mua cho người tiêu dùng. Thu nhập hằng tuần được điều chỉnh theo lạm phát của lao động tư nhân đã phục hồi 0,5% và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lạm phát tiếp tục giảm cho thấy chu kỳ tăng lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới cuối cùng cũng hạ nhiệt. Thị trường vẫn mong đợi một đợt tăng lãi suất nữa của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, lãi suất cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Nhận xét về các con số lạm phát, Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư tại Zaye Capital Markets cho biết "đây là con số thấp nhất kể từ đại dịch. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là đây vẫn chỉ là một tình huống nhất thời. Nhưng nhìn chung, các nhà giao dịch đang cổ vũ cho sự kiện này”.
Dự báo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) chỉ ra rằng, thị trường sẽ thắt chặt vào năm 2024. IEA dự đoán thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục thắt chặt trong nửa cuối năm nay do nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc và các nước đang phát triển kết hợp với việc cắt giảm nguồn cung từ các nhà sản xuất hàng đầu. Dự báo mới từ IEA dự kiến sẽ được đưa ra trong tuần.
Theo nhà phân tích Tamas Varga của PVM, cân bằng dầu trở nên chặt chẽ hơn khi nguồn cung giảm hoặc nhu cầu được điều chỉnh tăng. “Nếu cả hai điều này xảy ra cùng lúc thì sự thay đổi có thể là một cơn địa chấn", Varga nhấn mạnh.
Tuần trước, hai nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga cho biết sẽ cắt giảm sản lượng trong tháng 8. Theo đó, Saudi Arabia gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày, còn Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày.
Kiềm chế đà tăng của giá dầu là báo cáo của EIA cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 5,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 7-7; dự trữ xăng giảm nhẹ; dự trữ sản phẩm chưng cất 4,8 triệu thùng.
Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, nhận xét tồn kho xăng hầu như không thay đổi, dừng ở mức 219,5 triệu thùng trong tuần nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ 4-7 là một tình huống "gần như chưa từng có". Các nhà phân tích đã kỳ vọng dự trữ xăng sẽ giảm mạnh khi số người đi du lịch tăng trong kỳ nghỉ lễ.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 13-7 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.419 đồng/lít.
Xăng RON 95 không quá 21.497 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 18.616 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 18.320 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 15.288 đồng/kg.
Giá xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 11-7. Theo đó, các mặt hàng xăng, dầu đều bật tăng, với mức tăng thấp nhất là 69 đồng/lít (xăng RON 95), và cao nhất là 665 đồng/kg (dầu mazut). Đáng chú ý là trong kỳ điều hành này, giá xăng E5 RON 92 giảm 51 đồng/lít. Đây là lần đầu tiên hai mặt hàng xăng được điều chỉnh trái chiều.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ quyết định không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và không chi Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân