Nguồn cầu giảm từ Trung Quốc do tác động của Covid-19 tiếp tục đẩy giá dầu giảm tốc, với giá dầu thô Brent trượt khỏi mốc 122 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới
Giá dầu tuần trước liên tục trượt dốc vào các phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Tuy nhiên, mức trượt này không đủ để kéo giá dầu của cả tuần giảm. Thay vào đó, giá dầu Brent và WTI đã có thêm 1 tuần leo dốc. Theo đó, Brent tăng tuần thứ 4 liên tiếp và WTI tăng tuần thứ 7 liên tiếp.
Tuần trước, giá dầu đã bắt đầu tuần trong tư thế tăng do Ả Rập Xê-út tăng giá bán chính thức sang châu Á vào tháng 7 đối với Arab, dầu thô nhẹ hàng đầu của mình thêm 2,10 USD so với tháng 6, lên mức hơn 6,50 USD so với báo giá của dầu Oman và Dubai.
Thêm vào đó, lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung ở châu Phi và châu Âu đã đẩy giá dầu tiếp đà tăng. Sản lượng dầu của Na Uy có thể sẽ giảm nếu công nhân nước này đình công khi đàm phán về lương không đạt kết quả như mong đợi. Bên cạnh đó, sản lượng dầu tại mỏ Sarir của Libya đã giảm sau khi các cảng Ras Lanuf và Es Sider bị đóng cửa và một nhóm đe dọa đóng cửa cảng Hariga.
Ngoài ra, khả năng thị trường đang khát dầu được tiếp thêm năng lượng từ dầu của Iran bị lu mờ dần bởi ít có triển vọng đạt được một thỏa thuận hạt nhân Iran và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực năng lượng Iran.
Một lo ngại về nguồn cung khác đến từ các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+). Mặc dù OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng dầu cho tháng 7 và 8 lên 648.000 thùng/ngày, tăng 50% so với những tháng trước đó, nhưng trong tháng 5, OPEC+ một lần nữa không đạt được mục tiêu sản xuất dầu, theo khảo sát của S&P Platts.
Trong tháng 4, OPEC đã trượt mục tiêu 2,7 triệu thùng/ngày và trong khi có sự cải thiện nhẹ trong tháng 5, tổng số vẫn thấp hơn nhiều so với hạn ngạch. Tháng trước, sản lượng ở Nigeria đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Platts khảo sát sản lượng của OPEC.
Thực tế là nhiều thành viên OPEC đã phải vật lộn để hoàn thành hạn ngạch sản xuất của mình. Duy có Ả Rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Kuwait có khả năng dự phòng, có thể nhanh chóng khai thác để bù đắp cho những thiếu hụt.
Kỳ vọng nguồn cầu tăng từ phía Trung Quốc sau khi Thượng Hải và thủ đô Bắc Kinh mở cửa trở lại sau thời gian dài phong tỏa vì Covid-19 cũng là một nhân tố giúp giá dầu leo dốc.
Tuy nhiên, kỳ vọng nguồn cầu tăng ở quốc gia Đông Á này đã nhanh chóng bị bao phủ bởi “bóng ma” Covid-19. Thành phố Thượng Hải với 26 triệu dân và thủ đô Bắc Kinh lại rơi vào tình trạng báo động về các ca Covid-19 sau khi mới mở cửa trở lại. Tại Thượng Hải, hàng triệu cư dân thành phố được xét nghiệm Covid-19; các hạn chế phong tỏa mới được áp đặt tại nhiều nơi trong thành phố.
Đà “mất giá” của dầu thô Brent và WTI còn được hỗ trợ bởi thông tin lạm phát của Mỹ trong tháng 5 đạt mức cao nhất hằng năm hơn 4 thập kỷ qua do giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt lên 8,6% vào tháng trước, cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 13-6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 30.235 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 31.578 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.394 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.346 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.901 đồng/kg.
Chiều nay (13-6), giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh bởi liên Bộ Tài chính - Công Thương. Dự kiến, tại kỳ điều hành giá mới này, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng theo đà tăng của giá xăng dầu thế giới thời gian qua với giá xăng có thể tăng tối đa 1.000 đồng/lít. Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước có thể vượt 32.000 đồng/lít.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân