Sau khi trượt xuống dưới 99 USD/thùng, giá dầu Brent đã nhanh chóng lấy lại được đà, tăng tới hơn 6% lên 104,6 USD/thùng. Dầu WTI tiếp đà tăng dù dự trữ dầu của Mỹ được dự báo tăng.
Giá xăng dầu thế giới
Theo oilprice, lúc 6 giờ 5 phút ngày 13-4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 5 được giao dịch ở mức 101,5 USD/thùng, tăng 0,93 USD, tương đương 0,92%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 6 “án binh bất động” ở mức 104,6 USD/thùng.
Reuters đưa tin, Thượng Hải giảm phong tỏa, sản lượng dầu khí ngưng tụ của Nga giảm xuống mức thấp nhất của năm 2020 và cảnh báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về việc không thể thay thế nguồn cung bị mất từ Nga là những yếu tố chính đẩy giá dầu leo dốc sau những cú trượt dốc từ đầu tuần.
Giá dầu thô Brent giao sau đã tăng 6,16 USD, tương đương 6,3%, lên 104,64 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng tăng tới 6,31 USD, tương đương 6,7%, lên 100,60 USD/thùng. Trước đó, hôm 11-4, cả Brent và WTI đã giảm khoảng 4%.
Ở thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, hơn 7.000 khu dân cư đã được xếp loại là khu vực có nguy cơ thấp hơn sau khi báo cáo không có ca nhiễm mới nào trong vòng 14 ngày. Nhiều quận ở Thượng Hải đã thông báo có thể gỡ phong tỏa ở một số khu.
Trong khi đó, OPEC cảnh báo sẽ không thể thay thế 7 triệu thùng/ngày xuất khẩu dầu và các chất lỏng khác của Nga bị mất trong trường hợp có các lệnh trừng phạt hoặc các hành động cố ý nào khác nhằm vào xuất khẩu năng lượng của Nga.
Hai nguồn thạo tin của Reuters cho biết sản lượng ngưng tụ dầu và khí đốt của Nga đã giảm xuống dưới 10 triệu thùng/ngày (bpd) hôm 11-4 - mức thấp nhất kể từ tháng 7-2020 do các lệnh trừng phạt và những hạn chế về hậu cần “làm khó dễ” hoạt động giao thương năng lượng của Nga.
Trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 11-4, sản lượng dầu trung bình của Nga giảm hơn 6% xuống 10,32 triệu thùng/ngày so với mức 11,01 triệu thùng/ngày trong tháng 3.
Sản lượng dầu và khí đốt của Nga đã giảm dù liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa áp lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. Tuy nhiên, theo một số ngoại trưởng các nước thành viên của EU, lựa chọn này (cấm dầu Nga) đã được đưa ra.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết, thị trường dầu mỏ vẫn dễ bị tổn thương bởi một cú sốc lớn nếu năng lượng Nga bị trừng phạt, và rủi ro đó vẫn còn nguyên.
OPEC ngày 12-4 đã hạ dự báo sản lượng chất lỏng của Nga xuống 530.000 thùng/ngày trong năm nay, nhưng cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới bởi tác động từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine khiến giá dầu thô tăng cao và sự bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc.
Giá “vàng đen” những ngày qua đã “hạ nhiệt”, có lúc xuống dưới 100 USD/thùng khi các thành viên của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết sẽ giải phóng tới 240 triệu thùng dầu trong vòng 6 tháng, kể từ tháng 5-2022.
Việc giải phóng dầu với khối lượng lớn này sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt dầu ngay lập tức. Nhưng theo các nhà phân tích, nó sẽ không giải quyết được thâm hụt cơ cấu và các kho dự trữ sẽ cần được bổ sung.
Theo một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters, dự trữ dầu thô của Mỹ có khả năng đã tăng 1,4 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 8-4 sau khi giảm trong ba tuần liên tiếp.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 13-4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 26.471 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 27.317 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.380 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.027 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.929 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được điều chỉnh chiều 12-4 tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng đã giảm hơn 800 đồng/lít; giá dầu giảm hơn 700 đồng/lít, giá dầu mazut ổn định so với giá bán lẻ hiện hành.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân