Đồng USD giảm, kỳ vọng cầu tăng cao trong khi cung giảm đã đẩy giá xăng dầu tăng vọt lên mức 'đỉnh' 10 tuần. Giá dầu Brent đạt 79,4 USD/thùng.
Giá dầu thế giới
Reuters đưa tin, kết thúc phiên giao dịch ngày 11-7, giá dầu đã tăng hơn 2%. Giá dầu leo dốc được thúc đẩy bởi sự suy giảm của đồng USD, hy vọng về nhu cầu cao hơn ở các nước đang phát triển và việc cắt giảm nguồn cung của các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới – Saudi Arabia và Nga.
Giá xăng dầu chạm mức cao nhất trong 10 tuần tại phiên giao dịch ngày 11-7. Ảnh minh họa: Reuters
Giá dầu Brent tương lai tăng 1,71 USD, tương đương 2,2%, lên mức 79,4 USD/thùng; giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,84 USD, tương đương 2,5%, lên mức 74,83 USD/thùng.
Đây là mức thanh toán cao nhất của dầu Brent kể từ ngày 28-4 và của dầu WTI kể từ ngày 1-5. Dầu Brent đã ở trong vùng quá mua về mặt kỹ thuật lần thứ hai trong ba ngày.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA cho biết: “Việc phá vỡ mức cao gần đây (dầu Brent đạt đỉnh trong 9 tuần vào thứ Sáu tuần trước) có thể được coi là một bước tăng giá có thể tạo đà cho Brent bứt phá trở lại mức giá hơn 80 USD/thùng”.
Giá dầu diesel tương lai của Mỹ cũng đang trên đà đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 18-4.
Theo Reuters, ngày 11-7, đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng so với rổ tiền tệ sau khi một số quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt. Đồng USD đã chạm mức 140,17. USD được giao dịch lần cuối ở mức 140,385 yên, giảm 0,7%. Đồng USD cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi so với đồng franc Thụy Sĩ và dừng ở mức 0,8797 franc, giảm 0,6%.
Trong tháng 6, niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng khi sự bi quan về triển vọng kinh tế giảm mạnh và kỳ vọng doanh số bán hàng được cải thiện, nhưng thị trường lao động vẫn thắt chặt tiếp tục gây lo ngại về lạm phát.
Các thị trường đang chờ dữ liệu lạm phát của Mỹ, dự kiến được công bố vào hôm nay để biết manh mối về triển vọng lãi suất. Lãi suất cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục thắt chặt trong nửa cuối năm 2023 do nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc và các nước đang phát triển kết hợp với việc cắt giảm nguồn cung được công bố gần đây của hai nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia và Nga.
IEA sẽ công bố dự báo mới trong tuần này.
Giá xăng dầu sẽ tiếp tục biến động theo các báo cáo trong tuần. Ảnh minh họa: Oilprice
Tổng thư ký OPEC cho biết nhu cầu năng lượng toàn cầu được dự báo sẽ tăng 23% vào cuối năm 2045.
Dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 3,026 triệu thùng, bật tăng sau cú giảm 4,382 triệu thùng trong tuần trước đó; tồn kho xăng tăng 1,004 triệu thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 2,908 triệu thùng.
Với mức tăng dự trữ dầu và xăng này, khả năng cao giá dầu WTI sẽ giảm trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Ngay đầu phiên giao dịch, giá dầu WTI đã “mất” 6 cent, trượt khỏi mức “đỉnh” trong 10 tuần.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 12-7 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.419 đồng/lít.
Xăng RON 95 không quá 21.497 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 18.616 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 18.320 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 15.288 đồng/kg.
Giá xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 11-7. Theo đó, các mặt hàng xăng, dầu đều bật tăng, với mức tăng thấp nhất là 69 đồng/lít (xăng RON 95), và cao nhất là 665 đồng/kg (dầu mazut). Đáng chú ý là trong kỳ điều hành này, giá xăng E5 RON 92 giảm 51 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ quyết định không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và không chi Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân