Giá dầu thế giới hôm nay (12/12) đi ngang, gần như không biến động so với phiên giao dịch trước đó. Các chuyên gia cho biết, việc cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) không thể bù đắp hoàn toàn những lo lắng xung quanh tình trạng dư cung dầu thô và tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu yếu hơn trong năm tới.
Ảnh minh họa |
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 12/12/2023, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2024 ở mức 71,64 USD/thùng, tăng 0,08 USD trong phiên và giảm 0,05 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 11/12.
Trong khi giá dầu Brent giao tháng 2/2024 đứng ở mức 76,08 USD/thùng, tăng 0,04 USD trong phiên và giảm 0,08 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 11/12.
Giá dầu thế giới hôm nay (12/12) đi ngang, gần như không biến động so với phiên giao dịch trước đó. Các chuyên gia cho biết, việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ không thể bù đắp hoàn toàn những lo lắng xung quanh tình trạng dư cung dầu thô và tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu yếu hơn trong năm tới.
OPEC+ đã cam kết cắt giảm sản lượng dầu thô 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên của năm 2024, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn hoài nghi về việc các thành viên trong nhóm OPEC+ có tuân thủ cam kết hay không.
Jim Ritterbusch, Chủ tịch của Ritterbusch and Associates LLC ở Galena, Illinois cho biết: “Một số nước thành viên của nhóm OPEC+ tham gia cam kết cắt giảm sản lượng sẽ thấy doanh thu giảm do sản lượng khai thác nhỏ và giá dầu cũng giảm sau quyết định cuối cùng của OPEC+”.
Tăng trưởng sản lượng dầu ở các nước ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ dự kiến sẽ dẫn đến dư cung trong năm tới.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Đầu tư toàn cầu RBC cho biết: “Giá dầu sẽ tiếp tục biến động và không có định hướng cho đến khi thị trường nhìn thấy các điểm dữ liệu rõ ràng liên quan đến việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của nhóm OPEC+”.
Các nhà phân tích cho biết thêm, với việc cắt giảm không được thực hiện cho đến tháng sau, dầu thô sẽ phải đối mặt với biến động hai tháng trước khi có bất kỳ dữ liệu tuân thủ định lượng nào rõ ràng.
Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng mới nhất từ Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cho thấy áp lực giảm phát gia tăng do nhu cầu trong nước yếu khiến nhiều người hoài nghi về khả năng phục hồi kinh tế của nước này.
Các quan chức Trung Quốc đã cam kết sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước, củng cố và tăng cường phục hồi kinh tế vào năm 2024.
Tuần này, các nhà đầu tư đang theo dõi hướng dẫn về chính sách lãi suất từ cuộc họp tại 5 ngân hàng trung ương, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, cũng như dữ liệu lạm phát của Mỹ để đánh giá tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ.
Giá dầu yếu gần đây đã thu hút Mỹ khi nước này đang muốn bổ sung 3 triệu thùng dầu thô cho Cục Dự trữ Dầu khí Chiến lược (SPR) vào tháng 3/2024.
Nhà phân tích Tony Sycamore của IG cho biết trong một ghi chú: “Chúng tôi biết Chính quyền Biden đang tìm cách bổ sung dầu vào SPR và điều này sẽ cung cấp những hỗ trợ về giá cho dầu thô”.
Trong khi đó, dự thảo thỏa thuận khí hậu tiềm năng tại Hội nghị thượng đỉnh COP28 đã đề xuất một loạt lựa chọn mà các quốc gia có thể thực hiện để giảm phát thải khí nhà kính, nhưng lại bỏ qua việc "loại bỏ" nhiên liệu hóa thạch mà nhiều quốc gia yêu cầu.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết tiêu chuẩn thành công chính của COP28 sẽ là liệu nó có mang lại thỏa thuận loại bỏ dần việc sử dụng than, dầu và khí đốt đủ nhanh để ngăn chặn biến đổi khí hậu thảm khốc hay không.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.290 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 22.322 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.721 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 20.922 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.527 đồng/kg.
Nguồn tin: PetroTimes