Giá dầu hôm nay 12-1 duy trì đà tăng sau khi phi mã gần 4%, đạt “đỉnh” mới 83,72 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới
Theo oilprice, lúc 6 giờ 15 phút ngày 12-1 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 2 được giao dịch ở mức tăng 0,01 USD/thùng, tương đương 0,01%, lên 81,23 USD/thùng.
Cùng thời điểm, dầu thô Brent giao tháng 2 được giao dịch ở mức “đỉnh” 83,72 USD/thùng, tăng 3,52%, tương đương 2,85 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng hơn 3% vào chiều 11-1 bởi nguồn cung thắt chặt, kỳ vọng các ca nhiễm Covid-19 đang ngày một gia tăng và sự lây lan của biến thể Omicron sẽ không làm chệch hướng phục hồi nhu cầu toàn cầu, cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu dầu thấp của OPEC.
Dầu thô Brent đã tăng tới 2,85 USD, tương đương 3,5%, lên 83,72 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua và là mức cao nhất trong năm nay. Trước đó 1 ngày, giá dầu Brent đã rớt 1%.
Trong khi đó, giá dầu WTI cũng lấy lại được đà tăng 2,99 USD, tương đương 3,8%, lên mức 81,22 USD/thùng. Đây cũng là mức giá cao nhất của WTI kể từ giữa tháng 11-2021 dù trước đó đã giảm 0,8%.
Reuters đưa tin, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell bày tỏ hy vọng tác động kinh tế của Omicron sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, đồng thời lạc quan về triển vọng kinh tế của các quý tiếp theo khi mà các ca nhiễm biến thể này giảm dần.
Cũng đồng quan điểm, Jeffrey Halley, nhà phân tích tại công ty môi giới OANDA cho biết, Omicron vẫn chưa thể “vượt” được sức “tàn phá” của biến thể Delta và có thể “sẽ không bao giờ làm như vậy”. Điều này sẽ giữ cho sự phục hồi toàn cầu đi “đúng hướng”.
Giá dầu quay đầu tăng khi thị trường tiếp nhận báo cáo rằng công suất dự phòng của OPEC + sẽ giảm vào nửa cuối năm. Các thành viên của OPEC + đang phải chật vật đáp ứng hạn ngạch dầu của mình. 14 trong tổng số 18 thành viên đã không thể đạt mục tiêu sản lượng cho tháng 12-2021.
OPEC + khó có thể cung ứng đủ dầu đẩy giá dầu tăng. Ảnh: Reuters |
Một chất xúc tác khác khiến giá dầu “phi mã” là đồng bạc xanh yếu hơn, khiến giá dầu trở nên rẻ hơn đối với những quốc gia nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Nguồn cung chưa ổn định ở Libya cũng đẩy giá dầu tăng trở lại. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya cho biết họ đang tạm ngừng xuất khẩu từ cảng Es Sider.
Theo Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group, “sự kết hợp của các dữ kiện rằng nhu cầu sẽ mạnh hơn dự đoán và nguồn cung của OPEC có thể không tăng nhanh như nhu cầu là lý do tại sao giá đang tăng lên”.
Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn từ Viện Dầu mỏ Mỹ, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm khoảng 1,1 triệu thùng trong tuần trước, thấp hơn mức giảm 2 triệu thùng được ước tính trong một cuộc thăm dò của Reuters. Dữ liệu chính thức của chính phủ sẽ được công bố vào hôm nay.
Dữ liệu của Euroilstock cho thấy dự trữ các sản phẩm dầu và dầu thô của các nhà máy lọc dầu châu Âu trong tháng 12-2021 đã giảm hơn 11% so với một năm trước đó. Tỷ suất lợi nhuận lọc dầu máy bay của châu Âu đã trở lại mức trước đại dịch khi hoạt động hàng không toàn cầu phục hồi bất chấp sự lây lan của “bóng ma” Omicron.
Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đã hạ ước tính tăng trưởng sản lượng dầu, đồng thời nâng dự báo nhu cầu dầu. Cụ thể, sản lượng ước tính tăng 640.000 thùng/ngày trong năm nay, thấp hơn mức dự báo tăng 670.000 thùng/ngày của tháng trước. Tổng nhu cầu dầu hiện đã tăng 840.000 thùng/ngày trong năm, cao hơn mức tăng 700.000 thùng ngày dự kiến vào tháng trước và sẽ tăng thêm 330.000 thùng ngày vào năm 2023.
Giá xăng dầu trong nước tăng trong kỳ điều hành giá ngày 11-1. Ảnh: VTV |
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 12-1 cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 23.159 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.876 đồng/lít; dầu diesel không quá 18.239 đồng/lít; dầu hỏa không quá 17.138 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.362 đồng/kg.
Giá xăng dầu nói trên được điều chỉnh trong kỳ điều hành giá của liên bộ Tài chính – Công Thương ngày 11-1. Theo đó, giá xăng dầu trong nước đều tăng. Đây là làn điều chỉnh tăng đầu tiên trong năm.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân