Giá dầu thô ngày 12/1 tiếp đà tăng mạnh khi những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu dần hạ nhiệt bởi các đánh giá mới nhất về Omicron cho thấy biến thể này có thể là hồi kết của đại dịch.
Ghi nhận đầu giờ sáng nay 29/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 81,25 USD/thùng, tăng 0,03 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 11/1, giá dầu WTI giao tháng 2/2022 đã tăng tới 2,64 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 83,61 USD/thùng, giảm 0,11 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 2,45 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 11/1.
Giá dầu ngày 12/1 có xu hướng tăng mạnh khi mà thị trường lại dấy lên những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Sau 2 phiên giảm giá liên tiếp do lo ngại về số ca nhiễm mới Covid-19 tăng vọt có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, giá dầu đã lấy lại đà tăng trong phiên 11/1 khi những lo ngại này dần hạ nhiệt bởi các đánh giá mới nhất về Omicron cho thấy biến thể này có thể là hồi kết của đại dịch.
Ngoài ra, năng lực sản xuất hạn chế của một số nước thành viên OPEC+ khiến mục tiêu tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 12/2021 và có thể cả những tháng đầu năm 2022 cũng là tác nhân thúc đẩy giá dầu đi lên.
Theo Reuters đưa tin, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell bày tỏ hy vọng tác động kinh tế của Omicron sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, đồng thời lạc quan về triển vọng kinh tế của các quý tiếp theo khi mà các ca nhiễm biến thể này giảm dần.
Cũng đồng quan điểm, Jeffrey Halley, nhà phân tích tại công ty môi giới OANDA cho biết, Omicron vẫn chưa thể “vượt” được sức “tàn phá” của biến thể Delta và có thể “sẽ không bao giờ làm như vậy”. Điều này sẽ giữ cho sự phục hồi toàn cầu đi “đúng hướng”.
Giá dầu quay đầu tăng khi thị trường tiếp nhận báo cáo rằng công suất dự phòng của OPEC+ sẽ giảm vào nửa cuối năm. Các thành viên của OPEC+ đang phải chật vật đáp ứng hạn ngạch dầu của mình. 14 trong tổng số 18 thành viên đã không thể đạt mục tiêu sản lượng cho tháng 12/2021.
Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do giới đầu tư lo ngại tình trạng bất ổn ở Kazakhstan có thể đặt thị trường năng lượng thế giới trước những rủi ro lớn.
Kazakhstan hiện sản xuất hơn 40% urani trên thế giới, nguyên liệu chính cho các lò phản ứng hạt nhân. Chính vì vậy, nếu có bất kỳ một sự gián đoạn nào về nguồn cung urani thì nó cũng sẽ đẩy nhiều nền kinh tế vào tình trạng thiếu hụt năng lượng trầm trọng.
Là nước thành viên của OPEC+, Kazakhstan hiện đang khai thác khoảng 1,6 triệu thùng dầu/ngày. Bởi vậy, nếu tình trạng bất ổn ở quốc gia Trung Á này không sớm được giải quyết và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất dầu thô của nước này, tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô sẽ lớn hơn.
Bên cạnh đó, Kazakhstan còn được biết đến là nước xuất khẩu than đá hàng đầu. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năm 2018, Kazakhstan là nước xuất khẩu than và dầu thô lớn thứ 9 thế giới và đứng thứ 12 về khí đốt tự nhiên.
Với những dữ liệu trên, giới đầu tư lo ngại nếu tình trạng bất ổn ở Kazakhstan kéo dài, thị trường năng lượng toàn cầu có thể phải đối diện với sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, trong đó có dầu thô.
Giá xăng dầu trong nước
Giá xăng dầu trong nước hôm nay được áp dụng mức bán tại kỳ điều chỉnh xăng dầu ngày 11/1, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Theo đó, từ 15h chiều 11/1, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 581 đồng/lít, lên mức 23.876 đồng/lít. Trong khi đó, xăng E5 RON 92 tăng 609 đồng/lít, lên mức 23.159 đồng/lít.
Như vậy, đây là lần thứ hai liên tiếp từ cuối tháng 12/2021, giá xăng, dầu bán lẻ trong nước tăng mạnh trở lại.
Ở kỳ điều chỉnh lần này, Liên Bộ Tài chính - Công Thương không chi sử dụng từ quỹ bình ổn đối với mặt hàng giá xăng dầu. Thay vào đó tăng trích quỹ các mặt hàng xăng, dầu vào Quỹ bình ổn.
Cụ thể, mức trích vào quỹ với xăng RON 95 là 450 đồng một lít, E5 RON 92 là 100 đồng một lít (giảm 200 đồng một lít so với kỳ điều hành ngày 25/12/2021), dầu mazut 500 đồng/kg, dầu hỏa 300 đồng/lít, dầu diesel 100 đồng/lít.
Bảng giá xăng dầu ngày 12/1.
Nguồn tin: Kinh tế môi trường