Giá dầu thế giới hôm nay (11/8) giảm nhẹ khi các nhà đầu tư đang lo ngại về những động thái tiếp theo trong việc điều chỉnh lãi suất của Mỹ sau khi nước này công bố dữ liệu lạm phát và OPEC có vẻ vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Ảnh minh họa
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 11/8/2023 theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2023 ở mức 81,95 USD/thùng, giảm 1,12 USD trong phiên và giảm 0,85 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 10/8.
Trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2023 đứng ở mức 86,53 USD/thùng, giảm 1,02 USD trong phiên và giảm 0,96 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 10/8.
Giá dầu thế giới hôm nay (11/8) giảm nhẹ khi các nhà đầu tư đang lo ngại về những động thái tiếp theo trong việc điều chỉnh lãi suất của Mỹ sau khi nước này công bố dữ liệu lạm phát và OPEC có vẻ vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Theo báo cáo mới nhất, trong tháng 7/2023, CPI của Mỹ đã tăng 0,2% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng 3,2%, thấp hơn dự đoán 3,3% của các chuyên gia nhưng lại cao hơn mức 3% của tháng 6.
Đóng góp phần lớn vào đà tăng của giá tiêu dùng là chi phí liên quan tới nhà ở. Trong tháng 7/2023, chi phí này tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ. Cục thống kê lao động Mỹ (BLS) cho biết mức tăng của chi phí nhà ở đóng góp tới 90% vào mức tăng của CPI tháng 7. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 10 liên tiếp, giảm 4,4% so với năm trước và mức giảm của tháng 6 là 5,4%.
Nhìn chung, lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh của năm 2022, nhưng vẫn còn cao hơn so với mục tiêu của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Các chuyên gia nhận định, lạm phát 3% chưa thể thôi thúc Fed sớm cắt giảm lãi suất.
Dù vậy, việc lạm phát hạ nhiệt ít nhất sẽ xoa dịu áp lực với Fed. Sau 11 đợt nâng lãi suất kể từ tháng 3/2022, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tạm ngưng nâng lãi suất trong tháng 9. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế trong thời gian tới và quan điểm của mỗi quan chức Fed.
Theo BLS, dù giá dầu thô tăng mạnh trong tháng 7, nhưng giá năng lượng chỉ tăng 0,1% so với tháng trước.
Giá dầu đã tăng liên tục trong những ngày gần đây do Ả Rập Xê-út và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng. Bên cạnh đó, vẫn còn những lo ngại về nguồn cung dầu do khả năng xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine ở khu vực Biển Đen và điều này sẽ đe dọa các chuyến hàng dầu của Nga.
John Evans, nhà môi giới dầu mỏ PVM cho biết, nếu giá dầu tăng quá nhiều có thể khơi lại lạm phát, kéo theo những tác động tiêu cực đối với thị trường.
Dữ liệu gần đây cho thấy lĩnh vực tiêu dùng ở Trung Quốc đang rơi vào tình trạng giảm phát và giá bán tại nhà máy kéo dài đà giảm làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC. New York cho biết: “Dữ liệu của Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ hơn và điều này sẽ chỉ khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế của họ”.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.791 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 23.963 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 20.612 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 20.270 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.531 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương chiều hôm nay (11/8).
Nguồn tin: PetroTimes