Lo ngại suy thoái kinh tế tiếp tục đè nặng lên giá dầu, buộc dầu Brent và WTI “đỏ sàn”, Brent lùi về dưới 107 USD/thùng. Xăng dầu trong nước giảm mạnh, xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới
Theo Oilprice, vào lúc 6 giờ ngày 11-7 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 106,5 USD/thùng, giảm 0,55 USD, tương đương 0,51%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ cũng được giao dịch ở mức giảm 0,77 USD, tương đương 0,73 %, xuống mức 104 USD/thùng.
Ngược với đà tăng của hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, giá dầu đã bắt đầu tuần giao dịch trong sắc đỏ bởi nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm tàng vẫn đeo bám, đẩy giá dầu trượt dốc.
Tuần trước, cũng chính mối lo này đã khiến giá dầu trượt dốc không phanh tới gần 11 USD. Chịu mức lỗ lớn, dầu Brent chỉ còn được giao dịch ở mức 102,8 USD/thùng, và dầu thô WTI xuống mức 99,5 USD/thùng.
Cũng trong tuần trước, đã có thời điểm cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI cũng lao dốc xuống dưới mức 3 con số. Tuy nhiên, hai điểm chuẩn này đã sớm quay đầu để trở lại mốc 107 và 104 USD/thùng.
Sự trượt giá sâu của dầu ngày 5-7 có thể coi là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong năm 2022 đầy biến động của thị trường dầu bởi đây là mức giảm sâu thứ ba đối với hợp đồng Brent kể từ khi bắt đầu giao dịch vào năm 1988. Hồi tháng 3, Brent đã chịu mức giảm lớn nhất là 16,84 USD.
Sự “hạ nhiệt” của giá dầu tuần trước ngoài nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu còn bị tác động bởi nguy cơ giảm cầu từ nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới Trung Quốc với khả năng thành phố Thượng Hải của nước này có thể áp các biện pháp phong tỏa mới để kiềm chế sự lây lan của Covid-19.
Mức lỗ của dầu tuần trước đã được bù đắp một phần vào hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần khi thị trường dấy lên lo ngại về nguồn cung thắt chặt trong bối cảnh sản lượng của các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm, lạm phát ở khu vực đồng Euro đạt mức cao kỷ lục trong tháng 6, tâm lý tiêu dùng của Mỹ xuống mức thấp kỷ lục, gián đoạn nguồn cung dầu từ Kazakhstan đến Biển Đen, và Washington thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran khiến nước này khó có thể mở rộng xuất khẩu.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, sản lượng của 10 thành viên của OPEC trong tháng trước đã giảm 100.000 thùng/ngày xuống 28,52 triệu thùng/ngày, không đáp ứng được mức tăng đã cam kết là khoảng 275.000 thùng/ngày. OPEC và các đồng minh đã cam kết tăng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8. Điều này có vẻ như cũng sẽ khó đạt được bởi thời gian qua, nhiều thành viên của OPEC+ đã phải khá chật vật để đạt được hạn ngạch sản xuất. Duy chỉ có Ả Rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất là có thể đẩy mạnh sản suất với năng lực dự phòng lớn. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, năng lực dự phòng của cả hai đang được khai thác ở mức tối đa cũng khó có thể bù đắp cho sự thiếu hụt của các thành viên khác.
Andy Lipow, Chủ tịch của công ty tư vấn Lipow Oil Associates cho biết nếu suy thoái xảy ra, nhu cầu năng lượng cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể và sẽ có nhiều biến động mạnh hơn nữa theo hướng giảm.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 11-7 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 27.788 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 29.675 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.593 đồng/lít; dầu hỏa không quá 26.345 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.712 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng giảm trong nước nói trên đã được điều chỉnh tăng tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương lúc 0 giờ ngày 11-7. Theo đó, giá xăng đã giảm hơn 3.000 đồng/lít, giá dầu giảm dao động trong khoảng 2.000-3.022 đồng/lít (kg).
Lần điều chỉnh giá này diễn ra cùng thời điểm với Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11-7.
Như vậy, đây là lần giảm thứ 2 sau 7 lần tăng liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay của giá xăng, dầu. Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Hiện, giá xăng trong nước đã xuống dưới mức 30.000 đồng/lít, gần bằng mức giá vào giữa tháng 4.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân