Giá dầu đã quay đầu lao dốc do lo ngại nguồn cầu giảm từ phía Trung Quốc. Giá dầu Brent hôm nay lùi dần về 123 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới
Trong phiên giao dịch ngày 9-6, giá dầu đã trượt dốc nhẹ nhưng vẫn giữ ở mức cao nhất trong ba tháng qua sau khi một số khu vực ở Thượng Hải (Trung Quốc) áp đặt các biện pháp phong tỏa mới để kiềm chế Covid-19 bất chấp thực tế rằng mức xuất khẩu vượt quá mong đợi của Trung Quốc trong tháng 5 đã tạo động lực cho triển vọng nhu cầu tăng.
Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 8 giảm 22 cent, tương đương 0,18% xuống 123,4 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 7 lao dốc xuống còn 121,6 USD/thùng, giảm 47 cent, tương đương 0,38%.
Theo Dailyfx, trong phiên giao dịch, có thời điểm giá dầu Brent rớt xuống mốc 121,53 USD/thùng, và WTI còn 119,08 USD/thùng.
Reuters đưa tin, xuất khẩu trong tháng 5 của Trung Quốc đã tăng 16,9% so với một năm trước đó khi việc nới lỏng hạn chế Covid-19 cho phép một số nhà máy hoạt động trở lại. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 1 năm nay và cao gấp đôi so với kỳ vọng của các nhà phân tích.
Nhưng dù các số liệu thương mại của Trung Quốc đầy lạc quan, giá dầu đã đảo chiều so với mức tăng khiêm tốn đầu phiên giao dịch.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường châu Á-Thái Bình Dương cấp cao của OANDA cho biết giá dầu bị tác động bởi tin tức phong tỏa trong ngày của một quận thuộc Thượng Hải để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19, làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu nguồn cầu ở Trung Quốc – nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, đã đánh giá cao hoạt động xuất khẩu rất ấn tượng của Trung Quốc trong tháng 5 trong bối cảnh nhiều thành phố của nước này đang áp dụng biện pháp phong tỏa.
Trong khi đó, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nhu cầu về nhiên liệu động cơ phục hồi trong mùa cao điểm mùa hè bất chấp giá bán cao ngất ngưởng.
Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của ING nhận xét, thật khó để nhận thấy sự suy giảm đáng kể trong những tháng tới với thị trường xăng dầu có thể sẽ thắt chặt hơn nữa trong mùa lái xe.
Trước khi giảm tốc, giá dầu đã nhích lên gần 124 USD/thùng dù EIA đã báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 2 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 3-6; tồn kho xăng giảm 800.000 triệu thùng; và tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 2,6 triệu thùng.
Thêm vào đó, thông tin một số công nhân dầu mỏ của Na Uy có kế hoạch đình công từ ngày 12-6 vì vấn đề lương bổng, đe dọa đến nguồn dầu thô cung ứng cho thị trường đã thúc đẩy giá dầu leo dốc.
Jeremy Weir, Giám đốc điều hành của Trafigura dự đoán giá dầu có thể sớm chạm mức 150 USD/thùng trong một vài tháng tới và thị trường có thể chứng kiến nhu cầu bị phá hủy vào cuối năm nay. Cũng cùng quan điểm, các nhà phân tích tại Morgan Stanley dự báo giá dầu thô có thể tăng lên 150 USD/thùng trong quý ba năm nay.
Giá dầu đã hạ nhiệt sau gần 1 tuần Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) nhất trí tăng sản lượng dầu cho tháng 7 và 8 lên 648.000 thùng/ngày thay vì 432.000 thùng/ngày những tháng trước đó. Mức tăng 50% sản lượng này OPEC+ được dự đoán là chỉ như "muối bỏ bể" so với nguồn cầu ngày một tăng trên thế giới và sự "vắng mặt" khá lớn của dầu Nga những tháng tới.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 10-6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 30.235 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 31.578 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.394 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.346 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.901 đồng/kg.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân