Giá dầu thế giới hôm nay (1/6) tiếp tục giảm khi chịu áp lực bởi đồng đô la Mỹ mạnh hơn và dữ liệu kinh tế yếu kém từ Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới làm gia tăng lo ngại về nhu cầu dầu trong thời gian tới.
Ảnh minh hoạ |
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 1/6/2023, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2023 ở mức 67,86 USD/thùng, giảm 0,38 USD trong phiên và giảm 1,88 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 31/5.
Trong khi giá dầu Brent giao tháng 8/2023 đứng ở mức 72,22 USD/thùng, giảm 0,38 USD trong phiên và giảm 1,69 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 31/5.
Giá dầu thế giới hôm nay (1/6) tiếp tục giảm khi chịu áp lực bởi đồng đô la Mỹ mạnh hơn và dữ liệu kinh tế yếu kém từ Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới. Điều này đã làm gia tăng lo ngại về nhu cầu dầu trong thời gian tới.
Giá dầu giảm sau khi báo cáo dữ liệu của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất của nước này trong tháng 5 giảm nhanh hơn dự kiến. Nhu cầu suy yếu đã cắt giảm chỉ số quản lý mua hàng (PMI) chính thức của ngành sản xuất từ 49,2 xuống 48,8 trong tháng 4, thấp hơn mức dự báo là 49,4.
Đồng bạc xanh của Mỹ nhận được sự hỗ trợ từ việc hạ nhiệt lạm phát ở châu Âu và những tiến triển về dự luật trần nợ của lưỡng đảng Mỹ.
Dự luật này sẽ được đưa ra Hạ viện để tranh luận bỏ phiếu. Sau khi thông qua Hạ viện sẽ gửi dự luật tới Thượng viện, nơi cuộc tranh luận có thể kéo dài đến cuối tuần, khi hạn chót vào ngày 5/6.
Đồng đô la mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt đỏ đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Dữ liệu của Mỹ cho thấy cơ hội việc làm bất ngờ tăng trong tháng 4, cho thấy sức mạnh bền bỉ trên thị trường lao động có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 6.
Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho nhận xét dữ liệu kinh tế yếu hơn dự kiến của Trung Quốc, tình hình giới hạn nợ, hai năm chi tiêu không đổi và có khả năng một đợt tăng lãi suất khác vào tháng tới đang đè nặng lên thị trường.
Các thị trường đang theo dõi cuộc họp sắp tới vào ngày 4/6 của OPEC+. Các tín hiệu lẫn lộn của các nhà sản xuất lớn về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng đã gây ra biến động giá dầu, tuy nhiên các ngân hàng HSBC và Goldman Sachs cũng như các nhà phân tích không kỳ vọng OPEC+ sẽ thông báo cắt giảm thêm tại cuộc họp này.
HSBC cho biết nhu cầu dầu mạnh hơn từ Trung Quốc và phương Tây từ mùa hè trở đi sẽ gây ra tình trạng thâm hụt nguồn cung trong nửa cuối năm.
Stephen Brennock, nhà phân tích thị trường dầu mỏ của PVM nhận định về quyết định của OPEC+: “Hành động có khả năng xảy ra nhất là không hành động”.
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng cho thấy,Tại Mỹ, sản lượng dầu thô tại mỏ đã tăng trong tháng 3 lên 12,696 triệu thùng mỗi ngày, cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020, khi đại dịch Covid bắt đầu làm giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ đã giảm trong tuần trước, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất có khả năng tăng.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.488 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 21.499 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.954 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 17.969 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.158 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá hôm nay (1/6).
Nguồn tin: PetroTimes