Sau ngày 11-7, mỗi lít xăng dầu được giảm thuế bảo vệ môi trường 500 – 1.000 đồng/lít, nhưng quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn thu mức tương đương từ 550 – 950 đồng/lít.
Giá xăng dầu đã giảm xuống hơn 3.000 đồng/lít kể từ ngày 11-7, song điều này chưa có những tác động đáng kể lên thị trường và giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Đặc biệt, với bối cảnh có những ngành nghề, lĩnh vực đã hình thành mặt bằng giá mới trong thời gian gần đây thì dự báo cần khoảng thời gian nhất định để điều chỉnh giá cả hàng hóa, đảm bảo theo cơ chế thị trường.
Lý giải nguyên nhân giá xăng, dầu giảm giá vẫn chưa tác động đến thị trường hàng hóa, một số chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động theo cơ chế nền kinh tế thị trường, nhưng giá cả thị trường lên xuống do biến động chuỗi cung ứng cần có độ trễ nhất định, tức có thể hiểu là cần một khoảng thời gian để các ngành nghề, lĩnh vực điều chỉnh giá cả.
Hơn thế nữa, xăng, dầu là chủng loại hàng hóa đặc biệt, khi giá cả mặt hàng này có biến động thì chắc chắn tác động ít nhiều đến nhiều mặt hàng khác, tuy nhiên không phải ngay lập tức và tùy ngành nghề, lĩnh vực sẽ có mức tác động khác nhau.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá xăng dầu cần phải giảm xuống nữa thì các doanh nghiệp mới có thể “chịu nhiệt” được giữa bối cảnh “bão giá”. Mức giảm giá xăng dầu hiện nay là vẫn chưa “thấm tháp” gì, doanh nghiệp và người dân vẫn phải chịu áp nặng nề.
Đáng chú ý, một số ý kiến nhận định, nếu không phải trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG), mức giảm giá xăng có thể còn lên đến 5.000 đồng/lít thay vì hơn 3.000 đồng/lít như hôm 11-7.
Theo PGS. TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), giá xăng dầu trong nước giảm ngày 11-7 là do giá thế giới giảm mạnh, chứ không phải do tác động chính sách của điều chỉnh thuế phí.
Giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500 - 1.000 đồng/lít, nhưng số tiền trích thu cho Quỹ BOG vẫn từ 550 - 950 đồng/lít, nghĩa là tương đương mức giảm thuế bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, số tiền trích lập Quỹ BOG gián tiếp qua doanh nghiệp xăng dầu, đối tượng cuối cùng phải “cõng” vẫn là người tiêu dùng. Điều này chẳng khác gì điều hành xăng dầu theo kiểu “tay phải thả ra, tay trái thu lại”.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, nếu không phải trích Quỹ BOG, giá xăng dầu rất có thể được giảm mạnh xuống dưới 5.000 đồng/lít dưới tác động hỗ trợ của chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường và giá xăng dầu thế giới giảm mạnh.
Giải thích về việc vẫn thu Quỹ BOG ở mức cao, Liên Bộ Công Thương - Tài chính lý giải là để có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường xăng dầu vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Do đó, kỳ điều hành lần này, giá các mặt hàng xăng dầu đều có xu hướng giảm nên Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định tăng trích lập Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu ở mức hợp lý.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, bối cảnh giá xăng cao như hiện nay, việc Liên Bộ Tài chính - Công Thương trích nộp Quỹ BOG là không phù hợp bởi điều này không tạo điều kiện giúp giá xăng dầu giảm sâu, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó, việc trích nộp vào Quỹ BOG số tiền tương ứng với số tiền thuế bảo vệ môi trường được giảm làm giảm hiệu quả, hiệu lực của chính sách, khiến tác động giảm thuế bảo vệ môi trường không rõ rệt với giá xăng dầu.
Về lý thuyết, việc trích lập Quỹ BOG xăng dầu là để “bù giá” cho người tiêu dùng khi giá xăng dầu tăng cao. Về bản chất, “bù giá” chỉ là việc người tiêu dùng chi trả khoản tăng giá bán lẻ xăng dầu trước đó, khi giá thị trường tăng thật, thì chi quỹ BOG để mức tăng thấp.
Thực tế, người dân vẫn phải chi tiền để mua dùng xăng dầu với mức giá cao, nhưng dòng tiền đã đi vòng qua doanh nghiệp từ trước.
Chính việc phát sinh nhiều bất cập và thiếu tính minh bạch, suốt từ năm 2011 tới nay, quỹ BOG liên tục bị nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất bỏ.
Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh
Trong những ngày vừa qua, giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang trong xu thế giảm xuống. Ghi nhận vào lúc 6h ngày 13-7 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu hôm nay trên thế giới giảm mạnh chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm. Đồng USD mạnh hơn khiến giá dầu hôm nay quay đầu giảm mạnh, trong đó dầu Brent đã trượt về mức 106,20 USD/thùng.
Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9-2022 đứng ở mức 100,21 USD/thùng, giảm 1,00 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9-2022 đứng ở mức 106,20 USD/thùng, giảm 0,90 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu giảm mạnh chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm. Đơn cử như tại Trung Quốc, thị trường hơn tỷ dân, trước diễn biến của dịch Covid-19, nhiều khu vực tại nước này đã phải tái áp dụng các biện pháp phong toả, hạn chế đi lại.
Nguồn tin: Sài gòn giải phóng