Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá xăng dầu giảm mạnh: Cước vận tải giảm nhỏ giọt

Trong khi giá xăng giảm liên tục trong thời gian qua, thì giá cước của một số hãng vận tải không giảm hoặc giảm nhỏ giọt. Hành khách đang bị “móc túi” còn doanh nghiệp vận tải thì đang tranh thủ hốt bạc...
 

Cước vận tải vẫn chưa giảm phù hợp với giá xăng dầu. Ảnh Chí Cường

Tẩy chay doanh nghiệp giữ giá?
 
Tính từ thời điểm 21/7, khi giá xăng trong nước vọt từ 14.000đ lên 19.000đ/lít thì chỉ vài ngày sau, các doanh nghiệp vận tải khách bằng ôtô đua nhau tăng giá cước từ 15-20%, có hãng taxi tăng giá lên đến 25%. Trong khi theo tính toán, tăng giá xăng chỉ làm tăng 12% chi phí nhiên liệu với hoạt động của taxi và 10% với vận tải khách bằng ôtô chạy dầu diezel.
 
Vậy nhưng, hiện giá xăng dầu trong nước đã giảm xuống còn 13.000đ/lít nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải giảm cước vẫn nhỏ giọt hoặc chưa giảm. Cơ quan chức năng thì chưa thật sự quyết liệt, nên người tiêu dùng là hành khách vẫn bị “móc túi” hàng ngày.
Trao đổi với PV GĐ&XH chiều 30/11 về hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho rằng, với những doanh nghiệp vận tải tuyến cố định không lập lại mặt bằng giá như lúc khởi điểm chưa tăng giá xăng dầu, biện pháp mạnh mẽ nhất là người dân hãy tẩy chay họ.

“Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về vận tải hành khách, chúng tôi đã thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định cần giảm giá. Đến nay, đã có một số doanh nghiệp giảm giá cước vận tải. Tuy nhiên, người có tiếng nói trọng lượng nhất là cơ quan quản lý giá và bản thân các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không muốn mất uy tín với khách hàng thì phải giảm”, ông Thanh phân trần.

Giám đốc Xí nghiệp vận tải xe khách Nam Hà Nội, ông Lưu Hồng Hoàng than thở: “Chúng tôi phải tự hạch toán kinh doanh, tuy nhiên với đặc thù là đơn vị phục vụ công ích, chúng tôi đã bước đầu giảm giá trong khi nhiều mặt hàng thuộc diện bình ổn giá vẫn chưa giảm. Áp lực với vận tải hành khách tuyến cố định vẫn rất lớn, nhất là từ ngày 1/1/2009 thuế giá trị gia tăng đối với vận tải khách sẽ tăng từ 5 - 10%”.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, đến sáng 30/11, việc giảm giá của Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội chưa nhiều, khi mà xí nghiệp này có đến 170 đầu xe khách chạy hầu hết các tuyến trong cả nước. Cụ thể, tuyến cố định Hà Nội - Thanh Hoá thời kỳ xăng tăng giá cao nhất là 65.000đ/người, nay chỉ giảm 5.000đ/người. Bên cạnh đó, tuyến xe khách cố định từ Hà Nội đi các huyện của Thanh Hoá được nhiều HTX vận tải tham gia khai thác vẫn không chịu giảm giá.
 
Không giảm do có kẽ hở
 
Giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe Giáp Bát (Hà Nội), ông Nguyễn Tất Thành bức xúc: “Ngay sau khi giá xăng dầu trong nước giảm mạnh, chúng tôi đã gửi công văn đến các đơn vị vận tải đề nghị họ căn cứ tình hình cụ thể để giảm giá cước vận tải. Qua nắm bắt thực tế, đã có không ít doanh nghiệp tiến hành giảm giá cước cho hành khách. Nhưng chúng tôi vẫn nhận được phản ánh của hành khách là nhiều đơn vị vận tải vẫn chưa giảm. Cái khó là chúng tôi không có quyền quyết định cước vận tải, vì vậy hành khách hãy tỉnh táo lựa chọn những doanh nghiệp có uy tín”.
 
Trả lời PV GĐ&XH về hiện tượng không ít doanh nghiệp vận tải đổ lỗi cho khách quan để chậm giảm giá cước, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, báo cáo bước đầu cho thấy nhiều doanh nghiệp đã giảm giá cước. Tuy nhiên, số lượng cụ thể chưa nắm được. Theo tính toán, đến nay giá xăng đã giảm đến 40%, dầu giảm 21%. Do đó, Hiệp hội đã khuyến cáo doanh nghiệp vận tải nên giảm cước về mức tại thời điểm 21/7. Doanh nghiệp nào trước đó chưa giảm, thì phải giảm nhiều hơn để giải toả bức xúc của người dân.

“Theo nguyên tắc chi phí giảm, giá cước giảm. Vì vậy, giá cước taxi giảm trên dưới 20% tuỳ từng hãng, vận tải khách giảm 8-10% là hợp lý. Bởi nếu doanh nghiệp không giảm thì sẽ mất thị phần vận tải đang cạnh tranh khốc liệt hiện nay”, ông Hùng chỉ rõ.

Theo quy định, các doanh nghiệp vận tải trước khi điều chỉnh giá cước phải trình lên hai cơ quan là Sở Giao thông Vận tải và Sở Tài chính để xem xét và cho ý kiến. Sau khi gửi thông báo điều chỉnh giá cước lên hai Sở này, trong thời hạn 3 ngày không có ý kiến phản hồi thì doanh nghiệp được phép điều chỉnh. Đây chính là kẽ hở để nhiều doanh nghiệp lợi dụng chần chừ giảm giá.

(Giadinh.net )

ĐỌC THÊM