Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá xăng dầu, giá xe máy, và những con số

Trong thời gian qua, có hai câu chuyện về giá được thảo luận khá sôi nổi, và cả hai có liên quan đến nhau. Đó là câu chuyện giá xăng dầu và giá xe máy. Tất nhiên, ai cũng biết là muốn đi xe máy thì phải có xăng, và muốn bán được xăng thì phải có người đi xe máy. Nhưng cũng có thể nhìn mối liên quan này từ góc độ khác: cảm nhận về những con số rất to và rất bé.
 
Giảm giá dầu hỏa: to hay bé?
 
Ngành xăng dầu đã khôn khéo xoa dịu dư luận bằng cách chọn một mặt hàng “tí hon”: dầu hỏa để giảm giá. Ảnh: VNN.
Từ giữa quý Tư năm 2008, khi giá xăng dầu trên thế giới giảm thấp, dư luận đã tăng sức ép đòi các công ty kinh doanh xăng dầu phải giảm giá trong nước.

Tuy nhiên, các công ty xăng dầu vẫn còn nhiều áp lực khác. Thứ nhất, áp lực phải thu lại khoản lỗ trong gần 4 tháng: Giá xăng dầu thế giới tăng vọt từ tháng 4/2008, nhưng phải đến cuối tháng 7/2008 chính phủ mới cho phép tăng giá trong nước.
Thứ hai, áp lực phải tiêu thụ lượng hàng đã nhập khẩu trong tháng 6/2008. Khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu được yêu cầu phải tăng lượng dự trữ xăng dầu, không may lúc đó cũng đúng vào đỉnh của giá quốc tế.
 
Thứ ba, khi giá xăng dầu trên thế giới giảm dần, thuế nhập khẩu xăng dầu đã tăng dần lên, để tháng 12/2009 lên đến 40%.
 
Thế nhưng sang đến tháng 2/2009 thì các lý do để không giảm giá xăng dầu đã mất dần hiệu lực. Giá thế giới tiếp tục ổn định ở mức thấp. Lượng xăng dầu nhập lúc giá cao đã tiêu thụ hết. Thuế nhập xăng dầu cũng đã giảm xuống chỉ còn 20%.
 
Và áp lực đòi hỏi giảm giá lại xuất hiện.
 
Ngày 20/2, các công ty xăng dầu thông báo giảm giá dầu hỏa 500 đồng/lít. Đến ngày 4/3, Bộ Tài chính lại yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký giảm giá dầu hỏa.
 
Tại sao vẫn là dầu hỏa?
 
Dầu hỏa chiếm tỷ trọng thấp nhất trong lượng xăng dầu nhập khẩu và tiêu thụ. Năm 2007, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu là 12,85 triệu tấn thì trong đó dầu hỏa chỉ là 251 ngàn tấn, tương đương… 1,95%.
 
Nói cách khác, ngành xăng dầu đã khôn khéo xoa dịu dư luận, bằng cách chọn một mặt hàng “tí hon” để giảm giá.
 
Giảm 500 đồng/lít là giảm hơn 4% giá dầu hỏa, nhưng dầu hỏa chỉ chiếm không đến 2% tổng tiêu thụ xăng dầu. Nếu đem lượng giảm giá này trải đều cho toàn bộ các mặt hàng xăng dầu, thì mức giảm chỉ vào khoảng 0,08%.
 
Hãy hình dung, một người tiêu dùng để được giảm 1 ngàn đồng thì phải mua đến 110 lít xăng. Hay phải 30 lần đổ đầy bình xăng xe gắn máy thì mới được giảm giá 1 ngàn đồng.
 
Rõ ràng là con số rất bé.

Thất thu thuế mỗi năm từ chênh lệch giá bán và hóa đơn bán xe tương đương thu ngân sách của cả tỉnh Bắc Ninh.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Thất thu thuế xe máy: bé hay to?
 
Người tiêu dùng kêu rằng: nhà sản xuất đề ra một giá, nhưng đại lý bán cao hơn giá đó hàng triệu đồng.
 
Ít được quan tâm hơn là một phản ánh: tuy trả giá cao hơn, nhưng hóa đơn vẫn ghi đúng như giá của nhà sản xuất. Có những xe, chênh lệch này tới 10 triệu đồng.
Hãy giả định: Bình quân mức chênh lệch giữa giá bán và hóa đơn là 1 triệu đồng cho mỗi xe. Nhà nước thất thu 10% thuế VAT. Khi đã không xuất hóa đơn, đại lý chắc cũng không dại dột gì khai doanh thu để cơ quan thuế đặt dấu hỏi. Nhà nước thất thu thêm 28% thuế thu nhập doanh nghiệp từ 1 triệu đồng không khai báo này.
Cộng hai khoản này, mỗi chiếc xe máy bán ra Nhà nước có thể thất thu 380 ngàn đồng tiền thuế. Số tiền có vẻ không lớn.
 
Nhưng riêng trong năm 2007, ước tính có 2,5 triệu xe gắn máy được bán ra (số liệu năm 2006 của hiệp hội xe đạp - xe máy là 2,2 triệu chiếc). Riêng công suất công bố của Honda Việt Nam là 1,5 triệu chiếc mỗi năm.
 
Để ước tính thất thu thuế trong một năm, đơn giản lấy 2,5 triệu xe nhân với 380 ngàn đồng mỗi chiếc. Số thuế thất thu là 950 tỷ đồng.
 
Số tiền thuế thất thu này tương đương với thu ngân sách của tỉnh Bắc Ninh. Hoặc tương đương với tổng kinh phí xây dựng cầu Mỹ Thuận.
 
Rõ ràng là con số rất lớn!
 
Luật thuế phải kèm sự nghiêm minh
 
Những người đi mua xe máy trả tiền 30 triệu nhưng nhận hóa đơn 25 triệu. Họ hiểu là đang tham gia vào hành vi trốn thuế của doanh nghiệp. Nhưng nếu đòi hóa đơn 30 triệu thì các loại thuế và phí chước bạ cũng tăng theo. Ngoài ra, họ là người đi mua hàng, không phải là người đi thực thi luật thuế. Vậy là họ im lặng.
 
Tâm lý này không chỉ thấy ở người mua xe máy, mà ở hầu hết những người mua lẻ, từ những người đi chợ tiêu vài chục ngàn đồng, cho đến người mua món hàng cao cấp hàng trăm triệu đồng.
 
Còn quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam vào năm 2007 đã lên đến gần 45 tỷ đô la Mỹ.
 
Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, các chuyên gia của Đại học Harvard đã đề xuất 2 điểm về thuế. Thứ nhất là nhanh chóng thay thuế doanh thu bằng thuế VAT. Thứ hai là chỉ áp dụng VAT ở khâu bán sỉ, không áp dụng ở khâu bán lẻ.
 
Năm 2000 luật thuế VAT bắt đầu được áp dụng, nhưng áp dụng cho cả khâu bán lẻ.
 
Đề xuất của các chuyên gia Harvard dựa trên mối lo là không kiểm soát được chứng từ ở khâu bán lẻ. Có những người mua lẻ nhưng không cần hóa đơn, từ đó lại có hóa đơn để cấp cho những người không mua hàng. Đó không chỉ là kẽ hở để gian lận thuế, mà còn phát sinh tâm lý coi thường sự nghiêm minh của thuế.
 
Luật thuế của Việt Nam dựa trên sự tự tin rằng có thể kiểm soát được khâu bán lẻ, rằng mọi hành vi gian lận thuế sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc.
 
Vậy thì, riêng khâu bán lẻ xe máy đã có một kẽ hở về thuế, mỗi năm bằng tiền xây cả chiếc cầu Mỹ Thuận, kẽ hở này rất đáng được đem ra để làm gương cho luật thuế.
 
(TuanVietNam)

ĐỌC THÊM