|
Ông Bùi Ngọc Bảo - Ảnh: C.V.K. |
Gần đến ngày Nhà máy lọc dầu Dung Quất có sản phẩm cũng là lúc các công ty kinh doanh xăng dầu lo ngại có thể sẽ không bình đẳng khi mua sản phẩm từ đây trong khi Petro VN cũng có Tổng công ty Dầu. Về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Bảo, tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), nói:
- Tổng công ty Xăng dầu VN đề nghị các cơ quan hữu trách xác định giá bán sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất theo giá chung của thị trường thế giới để tránh tạo ra những cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước. Chúng tôi sẵn sàng mua sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhưng phải theo giá thị trường.
Nguyên tắc đối với thị trường xăng dầu là nên theo giá quốc tế chứ không nên 70% là theo giá quốc tế còn 30% là theo giá nội địa. Cụ thể, giá xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất nên theo giá quốc tế tại thị trường Singapore - nơi đang cung cấp hầu hết xăng dầu cho nền kinh tế VN.
* Nhưng nếu giá thấp là người tiêu dùng có lợi?
- Nếu Nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể cung cấp đủ nhu cầu xăng dầu trong nước thì tôi nghĩ có thể bán giá thấp hơn giá thế giới, khi đó người tiêu dùng được lợi. Nhưng khả năng cung cấp của họ chỉ khoảng 30% nên không thể bán giá thấp, giúp người này mua được giá thấp, người kia lại không. Như thế có thể làm rối loạn thị trường, tạo ra sự không bình đẳng giữa người nhập khẩu và người mua được xăng dầu do trong nước sản xuất ra.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN sở hữu Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Tổng công ty Dầu cũng có hệ thống bán lẻ xăng dầu. Tương tự, tập đoàn này cũng sở hữu Tổng công ty Khí, trong đó có Nhà máy gas Dinh Cố. |
* Phải chăng từ tiền lệ trong việc mua gas trong nước mà các công ty kinh doanh xăng dầu lo ngại tình trạng này cũng sẽ lặp lại với xăng dầu khi người mua thấp, kẻ theo giá cao?
- Tập đoàn Dầu khí VN lấy khí gas từ Bạch Hổ về nên chi phí đầu vào rất rẻ. Đáng ra các sản phẩm này phải được bán theo giá quốc tế. Tức là dù có chi phí sản xuất thế nào thì giá trên thị trường quốc tế bao nhiêu sản phẩm đó cũng nên xác định với giá bán tương đương.
Nếu sản phẩm gas, cụ thể là từ Dinh Cố đáp ứng được 100% nhu cầu thị trường thì lúc đó bán thấp hơn giá thế giới 10-15%, toàn thị trường được hưởng. Nhưng Dinh Cố chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu của thị trường nên có tình trạng một số doanh nghiệp mua đầu vào với giá cao trong khi các doanh nghiệp lại chỉ mua giá thấp. Điều này, theo tôi, là không đúng vì đó là tài nguyên, là của chung đất nước. Nhà nước cần quản lý và phân bổ nguồn tài nguyên không tái tạo được này.
* Theo ông, xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất có nên đấu thầu để bán được giá tốt nhất?
- Chúng tôi sẵn sàng mua xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Bên cạnh trách nhiệm hỗ trợ sản phẩm trong nước thì ưu thế về phí và khoảng cách vận chuyển cũng là những lợi thế mà các doanh nghiệp đều muốn tranh thủ để có giá bán hợp lý nhất.
(Tuổi trẻ)