Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đáng lẽ trên thực tế mức tăng giá xăng trong đợt điều chỉnh gần nhất vừa qua phải tăng hơn 1.500 đồng/lít.
Giá xăng đáng ra phải tăng hơn 1.500 đồng/lít (Ảnh: IT)
Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu mới nhất vào ngày 6.10, cơ quan điều hành quyết định tăng giá với mức tăng được coi là “sốc” nhất sau khi đã trích lập Quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, xăng E5 RON92 tăng 675 đồng một lít; xăng RON 95 tăng 577 đồng; dầu hoả 403 đồng, dầu diesel là 485 đồng và có mức tăng cao nhất là dầu madut với 752 đồng một kg.
Sau điều chỉnh, mỗi lít xăng E5 RON92 lên tối đa 20.906 đồng, RON95 là 22.347 đồng, dầu diesel có giá mới 18.611 đồng, dầu hoả tối đa 17.086 đồng và dầu madut 15.694 đồng. Như vậy, mức giá xăng dầu hiện tại đang được niêm yết ở mức cao nhất sau nhiều năm trở lại đây.
Với tình hình giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng, các chuyên gia dự báo giá xăng dầu trong nước có khả năng tiếp tục tăng vào thời điểm cuối năm. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng thuế môi trường lên kịch khung (4.000 đồng/lít đối với Ron 95 và 3.850 đồng/lít với E5) từ 1.1.2019 có thể là tác động kép, ảnh hưởng mạnh đến sản xuất, tiêu dùng.
Lý giải câu hỏi về việc vì sao giá xăng lại được điều chỉnh tăng nhiều hơn giảm và tăng quá “sốc” trong đợt điều hành giá gần nhất khiến cho người dân đã có nhiều băn khoăn, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Từ đầu năm đến hết tháng 9, liên bộ Công Thương – Tài chính đã có 18 đợt điều hành giá xăng dầu. Trong đó, 2 lần điều chỉnh giảm, 6 lần điều chỉnh tăng giá, 10 lần giữ ổn định giá.
Theo ông Hải, để ổn định giá xăng dầu, Liên bộ đã phải trích quỹ bình ổn, tổng cộng hơn 5.500 tỷ đồng.
Theo ông Hải, trong đợt điều chỉnh giá hôm 6.10, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã đồng loạt tăng 403 – 752 đồng một lít. Để giữ được sự ổn định giá xăng dầu trong 10 lần điều chỉnh, liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng đã quyết định trích quỹ bình ổn để bù vào.
Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu gần đây nhất (6.10), giá xăng chỉ tăng có 700 đồng. Đáng lẽ trên thực tế mức tăng phải là hơn 1.500 đồng nhưng đã trích từ quỹ để bù hơn 800 đồng. Như vậy, có thể thấy lợi ích quan trọng của quỹ bình ổn, nếu không có quỹ này, xăng lên giá cao sẽ tác động làm nhiều mặt hàng khác tăng giá, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội”, ông Hải nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, trong lần điều hành giá tới, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ dựa trên diễn biến thực tế giá xăng dầu thế giới và số tiền còn lại trong quỹ để quyết định xem có trích quỹ bình ổn xăng dầu hay không.
Nguồn tin:danviet.vn