Lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng giá xăng có khả năng về khu vực 21.000 đồng/lít nếu giá dầu thế giới tiếp tục "đổ đèo" như những ngày vừa qua.
Hai ngày nữa là đến kỳ điều hành giá xăng dầu theo quy định. Trong bối cảnh giá dầu Brent chuẩn toàn cầu giảm sâu, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều chỉnh tới có cơ hội giảm mạnh.
Lúc 6h ngày 9/9 (giờ Việt Nam), ghi nhận trên Oilprice, giá dầu WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 83 USD/thùng, giảm 0,6%, dầu Brent chuẩn toàn cầu giao dịch ngưỡng 89 USD/thùng, tăng 1,3%. Theo các nhà phân tích, giá dầu thế giới xuống thấp khi dữ liệu từ hai nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều có dấu hiệu suy yếu, dẫn đến mối lo nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm.
Dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương tính đến ngày 7/9 cho thấy, giá xăng A95 tại thị trường Singapore ở mức 104,1 USD/thùng, xăng A92 ở mức 99,4 USD/thùng, dầu diesel ở mức 131,3 USD/thùng. Mức giá này tăng nhẹ so với thời điểm 31/8, nhưng nếu so với 26/1 thì tương đương về xăng và tăng mạnh về dầu diesel. Thời điểm ngày 26/2, giá xăng A95 trong nước là 24.360 đồng/lít, nếu trừ đi thuế bảo vệ môi trường 3.300 đồng thì giá xăng còn 21.060 đồng/lít.
Trả lời VTC News, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhận định, triển vọng giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước tại các kỳ điều chỉnh tới là khả quan, khi giá dầu thế giới liên tục giảm sâu do lo ngại về nhu cầu dầu ngày càng giảm vì kinh tế toàn cầu đang suy yếu, trong khi nguồn cung dầu có xu hướng tăng mạnh. Theo vị này, với mức giá nhập khẩu hiện tại, khả năng giá xăng có thể giảm từ 500 - 700 đồng/lít, dầu diesel giảm khoảng 700 đồng/lít.
"Việc điều hành giá xăng dầu trong nước sẽ dựa vào biến động lên xuống của giá xăng dầu thế giới. Khi giá xăng dầu thế giới giảm, giá trong nước cũng giảm theo, mức giảm cụ thể phụ thuộc vào chi, sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG)", vị này nói.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 5/9, liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá xăng trong nước giảm 366 - 439 đồng, xuống 23.359 - 24.230 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 1.430 đồng/lít lên 25.180 đồng/lít, vượt giá xăng. Đây là điều chưa từng có trên thị trường xăng dầu trong nước vì giá xăng thường cao hơn giá dầu.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 8 lần giảm. Hiện, giá dầu diesel và dầu hỏa đã tăng khoảng 7.000 đồng/lít so với đầu năm (tăng 38,12%). Trong khi xăng RON95 và E5 RON92 đã giảm về mức tương đương giá đầu tháng 1.
Đề xuất giảm tiếp thuế với xăng dầu để hạ áp lực lạm phát
Chia sẻ tại tọa đàm "Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó để ổn định, phát triển" ngày 8/9, TS Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí với xăng dầu để giảm áp lực lạm phát do giá dầu
Hiện các loại thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu hiện gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt (trừ dầu), bảo vệ môi trường và giá trị gia tăng. Từ 11/7, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được giảm kịch khung, còn 1.000 đồng với mỗi lít xăng, dầu 500-700 đồng một lít, kg. Tức là giá bán lẻ xăng dầu sẽ bớt tương ứng 550 - 1.100 đồng một lít (gồm thuế VAT).
"Bối cảnh giá xăng dầu neo ở mức cao, việc giảm các loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành xăng dầu sẽ có nhiều ý nghĩa hơn là giảm thuế thu cố định như bảo vệ môi trường", ông Khôi nói và đề nghị nhà chức trách cân nhắc giảm thuế VAT với xăng dầu đến hết năm nay và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu như nhiều nước đã áp dụng.
Nguồn tin: VTCNews