USD lên giá mạnh đã đẩy giá vàng, dầu thô sụt giảm 2,5%.
Giá vàng phiên 28/9 đã giảm tới 2,5% trước sự lên giá của USD do lo ngại nỗ lực cứu cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu không dễ thành công.
Áp lực giảm giá vàng gia tăng mạnh trong bối cảnh giá dầu thô bất ngờ giảm sâu, còn thị trường chứng khoán cũng lao dốc mạnh, với mức giảm từ 1,6-2,17% trong phiên này.
Trong phiên đầu tuần vừa qua, giá vàng đã tăng mạnh trở lại nhờ USD giảm giá. Nhưng việc USD giảm giá đó chỉ mang tính chất kỹ thuật sau khi đồng bạc xanh lên mức cao nhất trong 7,5 tháng qua. Và như vậy, có thể tâm lý muốn nắm USD, trái phiếu kho bạc Mỹ như là tài sản an toàn, tránh rủi ro, đã trở lại.
Diễn biến giao dịch phiên 28/9 cho thấy tín hiệu khá xấu khi giá vàng đầu phiên vẫn duy trì quanh vùng 1.640-1.660 USD/oz, tuy nhiên, đến cuối phiên đã sụt giảm mạnh, thậm chí xuống tới 1.597,8 USD/oz.
Biên độ dao động giá lên tới trên 70 USD trong khi mức giá đóng cửa ở gần vùng “nhạy cảm” 1.600 USD/oz tạo nên lo ngại đối với nhiều nhà đầu tư.
Kết thúc ngày giao dịch, giá vàng giao ngay đã giảm 2,5% xuống 1.606,7 USD/oz. Trong khi đó, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 50,3 USD xuống 1.602,2 USD/oz.
Lúc 5h55 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đã giảm thêm 8 USD (-0,52%) xuống 1.601 USD/oz.
Phiên này, Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust không có động thái giao dịch, vẫn nắm giữ 1.241,92 tấn vàng, tương đương 39,928,918.69 ounce, trị giá 65,577 tỷ USD, từ mức 66,217 tỷ USD phiên trước đó.
Cùng xu hướng với giá vàng, giá dầu thô phiên này quay đầu giảm mạnh, sau khi đạt được mức tăng mạnh phiên đầu tuần. Lo ngại viễn cảnh kinh tế châu Âu không mấy khả quan, cũng như việc dự trữ dầu thô ở Mỹ trong tuần qua tăng 1,9 triệu thùng - cao hơn 800.000 thùng so với dự báo - đã đẩy giá dầu giảm sâu.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent tại London giảm 3% xuống 103,85 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11 tại New York đã giảm 2,9% xuống 81,54 USD/thùng.
Nguồn tin: CNBC