Các tàu trên biển chứa xăng tồn trữ ở Indonesia, Sri Lanka và Malaysia đã dần được giải phóng hết hàng, dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu ở Châu Á đang gia tăng.
Được biết, trong tháng 5/2020, có trên 280.000 tấn (khoảng 2,4 triệu thùng) xăng được trữ tại các tàu nổi ở Singapore và Malaysia, do nhu cầu sụt giảm khi các nước áp dụng các biện pháp phong tỏa/giãn cachs xã hội nhằm chống Covid-19 khiến cho các hoạt động kinh doanh, thể thao, du lịch…. bị ngưng trệ. Tuy nhiên, một nửa trong số đó đã được giải tỏa từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6.
Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy, hãng Pertamina của Indonesia tháng này đã 3 lần xả xăng từ tàu BW Zambesi ở Merak. Hãng nhập khẩu xăng dầu lớn nhất Châu Á này đã tranh thủ lúc giá xăng dầu rẻ để mua tích trữ nhiên liệu, và giờ đang xuất bán dần. Hai tàu khác là Georg Jacob và Energy Centurion – do Trafigura thuê, hiện đang neo ở Tanjung Langsat, Malaysia và Galle, Sri Lanka – cũng đã xuất xăng khỏi tàu. Cả ba tàu đều là loại Panamax – được thiết kế để đi qua kênh Panama - có khả năng vận chuyển khoảng 50.000 tấn nhiên liệu mỗi chiếc.
"So với khối lượng lưu trữ được thấy vào giữa tháng 5, kho xăng ngoài khơi hiện tại ở Singapore, Malaysia và Indonesia đã giảm đáng kể", chuyên gia Sandy Kwa thuộc công ty tư vấn năng lượng FGE cho biết. "Điều này phản ánh nhu cầu xăng dầu trong ngành vận tải đang hồi phục".
Pertamina hiện chưa có bình luận gì, trong khi Trafigura từ chối bình luận.
Giá xăng và tỷ suất lợi nhuận của các nhà tinh chế xăng đã tăng trở lại từ mức thấp của tháng 4 và tháng 5 trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu tăng cao.
Giá xăng 92-octan – loại tham chiếu cho thị trường Châu Á – trong khoảng thời gian 1 – 18/6/2020 trung bình 41 USD/thùng, tăng lần lượt 33% và 111% so với giá trung bình cả thãng của tháng 5 và tháng 4.
Tương tự, lợi nhuận lọc xăng ở Châu Á là cộng 1,57 USD/thùng so với giá dầu Brent trung bình từ đầu tháng 6 tới nay, cải thiện đáng kể so với mức trung bình trừ 7 USD hồi tháng 4 và trừ 1,57 USD hồi tháng 5/2020.
Nguồn tin: vinanet.vn