Các nhà phân tích và các quan chức Mỹ cho biết, giới hạn giá đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga dường như đang phát huy tác dụng.
Dầu thô của Nga vẫn đang chảy ra thị trường toàn cầu, nhưng người mua đang trả với mức giá thấp hơn nhiều cho dầu thô của Nga, điều này làm giảm doanh thu của Putin từ xuất khẩu dầu mỏ, nguồn ngân sách chính của ông. Về cơ bản, đó là mục đích kép của việc giới hạn giá dầu thô theo dự định của Chính quyền Hoa Kỳ - giữ cho thị trường dầu mỏ được cung cấp đầy đủ và giảm doanh thu cho Nga.
Cho đến nay, sản xuất và xuất khẩu dầu của Nga vẫn kiên trì, bất chấp những dự đoán ban đầu về nguồn cung sụt giảm sau khi phương Tây đồng ý áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga để cắt giảm doanh thu từ năng lượng của Putin. Nhưng nguồn thu ngân sách của Nga đang sụt giảm do giá thấp của loại dầu Urals hàng đầu, với mức chênh lệch thấp hơn so với dầu thô Brent đã lên đến 30 USD/thùng.
Do giá của dầu Urals vào tháng 1 thấp, ngân sách của Nga đã thâm hụt 24,7 tỷ đô la (1,76 nghìn tỷ rúp) trong tháng 1, so với thặng dư vào tháng 1 năm 2022, khi doanh thu nhà nước từ dầu mỏ và khí đốt giảm 46,4% do giá Urals thấp và xuất khẩu khí đốt tự nhiên ít hơn, Bộ Tài chính Nga cho biết trong các ước tính sơ bộ hồi đầu tháng này. Thu ngân sách từ năng lượng – bao gồm thuế và thu hải quan – đã giảm mạnh trong tháng trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020.
Đầu tháng này, Nga cho biết sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng mỗi ngày) vào tháng 3 do lệnh trừng phạt của phương Tây và giá trần đối với dầu thô của Nga. Các nhà phân tích giải thích động thái này là dấu hiệu cho thấy Nga đang cố gắng bán hết dầu hoặc nỗ lực đẩy giá dầu lên cao.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong Báo cáo thị trường dầu tháng 2 rằng việc cắt giảm sản lượng của Nga có thể là “một dấu hiệu cho thấy Moscow có thể đang gặp khó khăn trong việc bán tất cả các thùng dầu của mình” hoặc “có thể là một nỗ lực để hỗ trợ giá dầu”.
Nỗ lực tăng giá dầu đã thất bại - giá chịu sức ép bởi các dấu hiệu cho thấy Fed có thể tăng lãi suất lên mức cao hơn và giữ chúng ở đó lâu hơn để đối phó lạm phát dai dẳng.
Giá trần và lệnh cấm vận của EU “đã gây ra sự xáo trộn tốn kém bằng cách buộc Nga phải bán dầu cho các khu vực mà việc vận chuyển đến đó sẽ hợp lý về mặt kinh tế trong điều kiện thị trường bình thường, trong khi yêu cầu châu Âu mua dầu thô và các sản phẩm dầu từ những người bán không phải của Nga thông thường sẽ không phải là sự lựa chọn hiển nhiên”, Henning Gloystein, Giám đốc Năng lượng, Khí hậu & Tài nguyên tại Eurasia Group, cho biết trong hội thảo trực tuyến của Vortexa và Eurasia Group vào đầu tháng này.
“Tuy nhiên, các biện pháp cho đến nay vẫn chưa gây ra sự gián đoạn đáng kể của dòng chảy dầu thô hoặc dầu thành phẩm mà có thể khiến giá tăng đột biến hoặc thậm chí là tình trạng thiếu nhiên liệu trong khu vực”, Gloystein cho biết thêm.
“Các biện pháp trừng phạt nhắm vào dầu mỏ nhằm mục đích hạn chế doanh thu của Nga và không làm gián đoạn thị trường. Cho đến nay, điều đó đã có hiệu quả,” Gloystein nói với The Wall Street Journal.
Trợ lý Bộ trưởng Chính sách Kinh tế Hoa Kỳ Ben Harris cho biết vào tuần trước rằng giá trần đang phát huy tác dụng và giải thích lý do căn bản của Hoa Kỳ chọn biện pháp này.
“Với mức giá trần, chúng tôi đang tạo ra những động cơ rõ ràng cho các chủ thể chính trên thị trường dầu mỏ toàn cầu - Nga, các nước nhập khẩu dầu và những người tham gia thị trường - để duy trì dòng dầu của Nga nhưng với mức giá rẻ. Giới hạn giá giúp đạt được cả hai mục tiêu cùng một lúc,” Harris cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh dầu thô Argus Americas ở Houston.
Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo nói rằng mức giá trần “vừa trực tiếp hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga vừa tạo đòn bẩy đàm phán cho những người mua dầu của Nga nếu không sử dụng giá trần, khiến giá càng giảm”.
“Và nó buộc Nga phải lựa chọn giữa việc chi tiền mua vũ khí và chi tiền để xây dựng hệ sinh thái dịch vụ của riêng mình nhằm vượt qua giới hạn giá”.
Nguồn tin: xangdau.net